Trình Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, Uỷ ban Kinh tế sớm thẩm tra chính thức để bảo đảm dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 tới.
Chiều ngày 16/4/2019, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Khắc phục bất cập của Luật hiện hành
Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình tóm tắt dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, Chính phủ thấy rằng việc sửa đổi Luật Chứng khoán ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết.
Theo đánh giá của Chính phủ, bên cạnh những kết quả tích cực, thực tiễn sau hơn 10 năm thi hành cho thấy, Luật Chứng khoán đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Nội dung một số điều khoản của Luật hiện hành chưa đủ rõ ràng, cụ thể còn dẫn đến cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong áp dụng; một số điều khoản không còn hợp lý, không còn phù hợp với thực tiễn hoặc đòi hỏi cần phải thể chế hóa bằng Luật; một số điều khoản chưa tương thích với thông lệ quốc tế, chưa phù hợp với yêu cầu và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.
Cùng với đó, một số quy định của Luật Chứng khoán không còn thống nhất, đồng bộ với quy định liên quan tại các văn bản quy phạm pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống rửa tiền...
Do đó, việc sửa đổi Luật Chứng khoán sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 10 năm thi hành Luật Chứng khoán và bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, đặc biệt trong bối cảnh phát triển của cách mạng công nghệ 4.0.
So với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi 98 điều, bổ sung 29 điều, bãi bỏ 30 điều và giữ nguyên 8 điều. Những nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu của dự thảo luật liên quan đền điều kiện chào bán chứng khoán, công ty đại chúng, thị trường giao dịch, mô hình tổ chức và thanh tra, xử lý vi phạm…
Thẩm tra dự thảo luật, Ủy ban Kinh tế cho rằng, bố cục của dự thảo Luật là hợp lý, trong đó đã tập trung giải quyết những vấn đề đang vướng mắc hiện nay như chất lượng hàng hóa đầu vào của thị trường, hành vi thao túng giá, chống giao dịch nội gián, cải cách hành chính nâng cao hiệu quả công tác tổ chức vận hành, quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Ủy ban Kinh tế cũng nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật. Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý bảo đảm sự phát triển bền vững, an toàn của thị trường chứng khoán, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế, góp phần nâng hạng thị trường và bảo đảm thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, việc sửa đổi Luật Chứng khoán trong thời điểm này là cần thiết và đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ dự án Luật của cơ quan soạn thảo.
Bảo đảm phù hợp trong hệ thống pháp luật
Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các quy định về tăng thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, việc đang thiếu các quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin là một bất cập trong quản lý thị trường.
Theo đó, quan điểm của Chính phủ là ủng hộ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có những thẩm quyền nhất định và đây cũng là những thẩm quyền cơ bản, được nêu rất rõ trong bộ nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO), phù hợp với chức năng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về thanh tra, kiểm tra thao túng, gian lận chứng khoán.
Về đề xuất tăng mức phạt tiền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, ông Dũng cho biết, do đặc thù của lĩnh vực chứng khoán là liên quan đến tài chính, mức vi phạm khá lớn, nên ban soạn thảo đề xuất mức phạt đặc thù lên đến 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân và 3 tỷ đồng đối với tổ chức. Đây là mức phạt tương đối phù hợp, có cân đối với các quy định của Bộ luật Hình sự, song Ban soạn thảo cũng cho rằng chưa đủ sức răn đe nên đã bổ sung nội dung hình phạt là tịch thu khoản thu lời bất chính.
Qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, luật hóa tối đa các quy định của văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm và có tính ổn định trong thực tiễn, quy định chi tiết hơn những điều, khoản về nguyên tắc áp dụng để giảm bớt các điều giao Chính phủ quy định; Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đối chiếu với quy định tại các luật liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; đồng thời đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật. Trong đó, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm sự phù hợp trong hệ thống pháp luật liên quan đến các Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra…