Đồng euro mất giá trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp tại châu Âu
Ngày 22/11, đồng euro đã giảm giá xuống gần với mức thấp nhất trong 16 tháng, do lo ngại ngày càng tăng về tác động của các biện pháp phòng dịch COVID-19 mới đang được thắt chặt ở châu Âu.
Theo đó, đồng euro đã giảm 0,25% xuống mức 1 euro đổi 1,122 USD vào cuối giờ chiều nay, tiệm cận mức thấp nhất trong 16 tháng qua (1 euro bằng 1,12705 USD) được ghi nhận hôm thứ sáu tuần trước, thời điểm Áo đưa ra thông báo sẽ tái áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc.
Bắt đầu từ hôm nay, đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ tư chính thức có hiệu lực tại Áo, với việc các chợ Giáng sinh, các quán bar, quán cà-phê và rạp hát được yêu cầu phải đóng cửa.
Trong khi đó, Đức cũng đang xem xét áp dụng các biện pháp phòng dịch cứng rắn trong bối cảnh các ca nhiễm và tử vong đang tăng nhanh ở nước này.
Bộ trưởng Y tế Đức, ông Jens Spahn cho biết, làn sóng lây nhiễm thứ tư đã khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải đặt trong tình trạng khẩn cấp quốc gia, đồng thời cảnh báo rằng, chỉ riêng việc tiêm phòng Covid-19 sẽ là không đủ để làm giảm số ca mắc mới.
Ông Chris Turner, người đứng đầu Khối nghiên cứu thị trường toàn cầu của Tổ chức tài chính ING cho rằng, chi phí bảo hiểm rủi ro liên quan đến đại dịch không được các thị trường ngoại hối châu Âu hoan nghênh và có thể khiến đồng euro dễ bị tổn thương hơn trong tuần này.
Ông Turner cho biết thêm, các đợt phong tỏa mới cũng như áp lực từ diễn biến dịch bệnh lên lĩnh vực dịch vụ ở châu Âu sẽ khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu có thêm lý do để tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
So với đồng bảng Anh, đồng euro tăng 0,1%, lên mức 1 euro bằng 83,95 pence, sau khi chạm mức thấp nhất so với đồng tiền của Anh kể từ tháng 2/2020, trong bối cảnh Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey bình luận thận trọng về lạm phát cuối tuần trước, cho rằng lạm phát có thể "tăng cao hơn trong thời gian dài".
BoE được kỳ vọng sẽ trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên tăng lãi suất kể từ khi đại dịch bùng phát, nhằm giải quyết tình trạng lạm phát ở Anh đã tăng 4,2% trong tháng 10, mức cao kỷ lục trong 10 năm qua do chi phí năng lượng tăng phi mã.
Trong khi đó, đồng USD vẫn ổn định, nhờ những đánh giá lạc quan của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Richard Clarida và Christopher Waller hôm thứ sáu, cho rằng việc cắt giảm dần các gói kích thích phục hồi kinh tế có thể phù hợp trong bối cảnh đà phục hồi đang diễn ra nhanh chóng và lạm phát nóng lên.
Chỉ số USD, thước đo biến động đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác ít thay đổi, ở mức 96,141, vẫn dưới mức cao nhất trong 16 tháng qua được ghi nhận hồi tuần trước là 96,266.