Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ xấu đi vào năm 2019

Theo Như Quỳnh/kinhtevadubao.vn

Theo cuộc khảo sát ý kiến các chuyên gia kinh tế của Reuters về triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm 2019, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cùng với việc thắt chặt các điều kiện tài chính sẽ gây ra sự suy thoái mới đối với nền kinh tế thế giới.

Các chuyên gia kinh tế đều dự báo mức tăng trưởng toàn cầu năm 2019 giảm xuống còn 3,6%. Nguồn: Internet
Các chuyên gia kinh tế đều dự báo mức tăng trưởng toàn cầu năm 2019 giảm xuống còn 3,6%. Nguồn: Internet

Vào đầu năm 2018, sự lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu 2019 là gần như đồng nhất giữa các chuyên gia được thăm dò ý kiến.

Tuy nhiên, trong cuộc thăm dò ý kiến của Reuters với sự tham gia của hơn 500 nhà kinh tế được thực hiện trong tháng này cho thấy, 18/44 nền kinh tế được đưa ra khảo sát đã bị hạ thấp triển vọng tăng trưởng, 23 nền kinh tế có triển vọng không thay đổi và chỉ có 3 nền kinh tế được nâng nhẹ triển vọng tăng trưởng.

Trong khi các cuộc khảo sát của Reuters về các rủi ro từ bảo hộ thương mại được đánh giá nhất quán kể từ tháng 1 năm ngoái, cuộc thăm dò ý kiến mới đây cho thấy sự tăng trưởng đã đạt đỉnh ở 70% trong số 44 nền kinh tế được khảo sát.

Bà Janet Henry, chuyên gia cao cấp về kinh tế toàn cầu của HSBC, nhận định: "Sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu đang diễn ra với nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi hầu hết phần còn lại của thế giới đang giảm tốc, thậm chí rơi vào trạng thái trì trệ. Những căng thẳng gây ra bởi sự chênh lệch này đang diễn ra ở nhiều thị trường mới nổi".

"Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tăng lãi suất để ngăn nền kinh tế Mỹ tăng trưởng quá nóng đang hạn chế sự lựa chọn chính sách đối với các quốc gia đang trong bối cảnh điều kiện tài chính thắt chặt và căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng", bà Henry cho biết thêm.

Hầu hết 150 chuyên gia kinh tế cho rằng hai nhân tố gây ra sự suy thoái toàn cầu sắp tới là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng leo thang và thắt chặt các điều kiện tài chính thắt chặt do sự bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu hoặc sự tăng mạnh của lợi suất trái phiếu chính phủ. 

"Thứ nhất, sẽ không có ai được lợi từ một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Ngay cả khi tổng chi phí thấp và nghiêng về các nền kinh tế mở hơn, cuối cùng thì tất cả các nước sẽ trở nên xấu đi hơn so với hiện trạng trước đây", Neil Shearing, chuyên gia kinh tế cấp cao của Capital Economics nhận định.

Đa số các chuyên gia kinh tế Mỹ khi được hỏi thêm đều cho biết chính sách kinh tế của Mỹ đối với Trung Quốc trong vài năm tới sẽ càng trở nên đối đầu hơn. Cùng với lãi suất tăng nhanh hơn dự báo ở Mỹ so với cuộc thăm dò trước đó, có thể dẫn đến sự suy giảm đáng kể trong nền kinh tế Mỹ vào cuối năm tới, ngay cả khi Mỹ hiện vẫn dẫn đầu trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Jean-François Perrault, chuyên gia kinh tế cấp cao của Scotiabank, cho biết: "Nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ đang tăng lên. Hậu quả của căng thẳng leo thang là không thể phủ nhận: giá hàng hoá cao hơn ở Trung Quốc và Mỹ, sức mua tiêu dùng giảm đi ở hai nước này, chi phí đầu vào cao hơn, biến động thị trường tài chính cao hơn và khả năng lãi suất tăng cao hơn. Những ảnh hưởng đó có thể lan rộng ra từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này".

Trong khi dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay là 3,8%, không thay đổi so với mức dự báo hồi tháng 7, thì các chuyên gia đều dự báo con số này cho năm 2019 là 3,6%, giảm hơn so với lần dự báo trước vào tháng 7/2017. Mức dự báo này cũng thấp hơn mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 là 3,7% của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra gần đây.