Động lực mới từ các trục giao thông trọng điểm
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 3 dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1). Đây là những dự án giao thông trọng điểm khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Nam bộ, được cử tri và Nhân dân mong đợi.
Kỳ vọng 3 dự án giao thông trọng điểm quốc gia
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Thường trực Ủy ban Kinh tế, nhất trí với sự cần thiết đầu tư các dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, 2021-2030 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua. Các dự án được lập cơ bản phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phù hợp với quy hoạch có liên quan.
Trong 3 dự án đường bộ cao tốc trên, dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Theo tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, tuyến cao tốc này có chiều dài khoảng 188km. Đây là tuyến cao tốc trục ngang của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có điểm đầu giao với Quốc lộ 91 thuộc địa phận tỉnh An Giang và kết thúc tại khu vực cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Trên địa phận tỉnh Hậu Giang, tuyến đi qua với chiều dài khoảng 37km.
Hậu Giang thống nhất rất cao với báo cáo của Ủy ban Kinh tế xin ý kiến Ban Thường vụ Quốc hội. Đây là trục cao tốc ngang rất quan trọng với tỉnh, thúc đẩy tăng cường liên kết giữa Hậu Giang với các tỉnh trong vùng, nhất là liên kết giữa Hậu Giang với cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Đây là một trong những dự án quan trọng giải quyết vấn đề vận chuyển, lưu thông hàng hóa và cũng là cơ hội mới, động lực mới để mời gọi các nhà đầu tư chiến lược về tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Được sự cho phép của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có văn bản cam kết về việc bố trí vốn để tham gia bồi thường, giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư dự án này với khoảng 50%. UBND tỉnh đã xin ý kiến của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thống nhất đề xuất giao về cho tỉnh thực hiện (đối với đoạn qua Hậu Giang). Tỉnh đồng tình cao với đề xuất cơ chế đặc thù cho dự án này theo tờ trình Bộ Giao thông Vận tải tham mưu trình Quốc hội.
Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho rằng: Đây là trục giao thông rất quan trọng kết nối hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam và gắn kết các tỉnh với cảng biển nước sâu Trần Đề. Sóc Trăng đã cập nhật đoạn khoảng 59km của tuyến đường bộ cao tốc này vào quy hoạch của tỉnh và đồng thời cập nhật vào quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của tỉnh. Về nguồn vốn, tỉnh cam kết đảm bảo khoảng 50% chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng và cam kết chịu trách nhiệm hoàn toàn việc tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án. Công tác quản lý dự án đã được đối chiếu với các quy định, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật.
Hậu Giang và các tỉnh có dự án đi qua bày tỏ sự nhất trí cao và mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua tờ trình để trình Quốc hội sớm cho chủ trương đầu tư tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1). Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam, là hành lang vận tải trục ngang lớn, quan trọng nhất ở trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả khu vực.
Thống nhất sự cần thiết đầu tư các dự án
Trong phiên cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Vũ Hồng Thanh cũng cho biết nhiều dự án đường bộ cao tốc được thực hiện trong cùng một thời gian, chủ yếu tập trung vào giai đoạn 2022-2025, sẽ cần một nguồn lực đầu tư rất lớn. Do đó, việc triển khai các dự án này sẽ khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực. Ngoài ra, cần tính toán kỹ về năng lực quản lý, thi công để có giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho các dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai.
Thảo luận tại phiên họp cho ý kiến, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết đầu tư dự án và cho rằng các dự án đáp ứng đủ các tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia. Do đó, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các dự án là phù hợp với quy định của pháp luật.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ đồng tình cao với sự cần thiết đầu tư các dự án này, đồng thời khẳng định đây là những dự án rất quan trọng đối với các địa phương vùng miền Trung - Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, được cử tri và Nhân dân mong đợi. Đối với đề xuất phân cấp cho địa phương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát, xác định rõ phạm vi trách nhiệm của các cơ quan liên quan, của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và của các địa phương trong việc xây dựng, vận hành hoặc huy động nguồn vốn, đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức thực hiện. Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện cần tương xứng với năng lực, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Chủ tịch Quốc hội lưu ý trong Nghị quyết cần quy định rõ về cam kết trách nhiệm chính trị, trách nhiệm hành chính của từng cấp đối với tiến độ thực hiện các dự án này.
Các dự án này có liên quan đến kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm nên cần có sự phân kỳ đầu tư cụ thể theo các giai đoạn 5 năm. Do đó, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành cần xem xét đảm bảo các quy hoạch theo Luật Quy hoạch. Trong phiên làm việc, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan giải trình nghiêm túc vấn đề tính khả thi về vốn, điều kiện chuẩn bị đầu tư, tính khả thi về tổ chức vận hành, thu phí, đồng thời cần có báo cáo đánh giá năng lực của các địa phương được phân cấp và dự kiến cụ thể hạng mục giao cho các địa phương, giải trình và làm rõ năng lực của nhà thầu, xác định đơn vị chịu trách nhiệm bảo trì, quản lý, vận hành để đảm bảo dự án được thực hiện chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Kết luận nội dung phiên họp cho ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về sự cần thiết đầu tư 3 dự án. Việc đầu tư này phù hợp với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, qua thảo luận, còn nhiều vấn đề, nội dung cần bổ sung, làm rõ.
Để đủ điều kiện trình Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ, tờ trình, khẩn trương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến hoặc quyết định phương án phân bổ vốn của Chương trình phục hồi, vốn từ tăng thu tiết kiệm chi năm 2021, vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa phân bổ chi tiết, để có căn cứ phân bổ vốn cho 3 dự án này. Đồng thời, cần đánh giá kỹ những yếu tố tác động đến việc triển khai dự án để tính toán, thuyết minh, làm rõ thời gian và các cam kết trách nhiệm hoàn thành các dự án, đảm bảo tính khả thi.
Do diện tích đất phải thu hồi của cả 3 dự án là rất lớn, liên quan đến nhiều địa phương, làm ảnh hưởng đến nhiều hộ dân, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần báo cáo rõ phương án, giải pháp đảm bảo thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư đảm bảo công khai, minh bạch, ổn định cuộc sống của người dân và tiến độ thực hiện dự án. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương tiếp thu các ý kiến tham gia, chỉnh lý hoàn thiện dự án, dự thảo các Nghị quyết chủ trương đầu tư, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất.