Đồng Nai mở hướng thu hút dự án công nghệ cao

Theo Baodautu.vn

Dự án Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành vừa được tỉnh Đồng Nai chính thức phê duyệt thành lập. Đây là dự án được xem là mở hướng cho Đồng Nai thu hút các dự án công nghệ cao vốn còn khá khiêm tốn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Dự án do Công ty cổ phần Đô thị Amata Long Thành làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 282 triệu USD, diện tích sử dụng đất 400 ha (chưa trừ hơn 3 ha lộ giới giao thông). Vốn góp chính của dự án này là các doanh nghiệp và cá nhân thuộc Tập đoàn Amata (Thái Lan) - một nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp khá quen thuộc với Đồng Nai.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Amata Việt Nam cho biết, Tập đoàn Amata đã có mặt ở Đồng Nai từ 20 năm trước, với Dự án Khu công nghiệp Amata Long Bình. Đến nay, Amata đã đầu tư 12 triệu USD vào Dự án, nhưng quan trọng hơn, theo bà Somhatai, đã có 140 dự án đầu tư vào khu công nghiệp này, với tổng vốn đầu tư đăng ký hàng tỷ USD và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.


Cũng theo bà Somhatai, nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Intel… hiện đã đầu tư vào Việt Nam, do đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong ngành công nghiệp hỗ trợ có xu hướng đẩy mạnh đầu tư để cung ứng các sản phẩm cho các tập đoàn này. Dự án Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành, với vị trí thuận lợi kết nối các tuyến giao thông huyết mạch của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sẽ có nhiều ưu thế để đón dòng vốn đầu tư này.

Tuy không cam kết cụ thể về tiến độ triển khai Dự án và thu hút đầu tư bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song đại diện của Amata khẳng định sẽ có nhiều nhà đầu tư tới xây nhà máy tại Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành. “Chúng tôi kỳ vọng sau năm 2017, số vốn mà các nhà đầu tư mang tới sẽ gấp 5 - 6 lần số vốn đầu tư của Amata và sẽ thu hút khoảng 20.000 lao động”, bà Somhatai tự tin.

Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, sau thời gian hoạt động hiệu quả tại Đồng Nai, Amata đã có ý tưởng triển khai dự án lớn với nhiều dự án thành phần, như khu đô thị, khu công nghiệp công nghệ cao, trung tâm thương mại, dịch vụ…

“Các dự án mới của Amata tại Đồng Nai có quy mô lớn, số vốn đầu tư nhiều và có ảnh hưởng quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Thái nói và cho biết, đây là lần đầu tiên, tỉnh Đồng Nai thành lập Ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban để chỉ đạo triển khai một dự án đầu tư khu công nghiệp.

Với động thái này, có thể thấy, Đồng Nai rất coi trọng dự án của Amata, với kỳ vọng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao. Trong thực tế, cho đến nay, dù đã có 31 khu công nghiệp với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 20 tỷ USD, nhưng số dự án trong lĩnh vực công nghệ cao ở Đồng Nai chưa nhiều.

Theo thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, mới có 4 dự án công nghệ cao được cấp phép. Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án của Công ty TNHH Bosch Việt Nam tại Khu công nghiệp Long Thành, với tổng vốn đầu tư gần 300 triệu USD. Ngoài vốn đầu tư cho nhà máy chuyên sản xuất dây đai truyền lực dùng cho hộp số tự động dành cho ô tô, liên tiếp trong 2 năm gần đây, Bosch đã dành những khoản đầu tư lớn cho Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ ô tô và cho lĩnh vực hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực…

Theo tìm hiểu của phóng viên, một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư e dè trong việc triển khai các dự án công nghệ cao tại Đồng Nai là do yêu cầu phải có hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Cùng với đó, tại Đồng Nai, công tác đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế, hạ tầng giao thông chưa kết nối đồng bộ, thiếu các dự án quy mô lớn có chuỗi sản xuất toàn cầu… cũng là những trở ngại không nhỏ đối với các nhà đầu tư.

Một nguồn tin riêng của Báo Đầu tư cho biết, sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng, Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành sẽ nhanh chóng có nhiều nhà đầu tư đến triển khai dự án chủ yếu là khách hàng của Tập đoàn Amata đang thực hiện dự án đầu tư tại Thái Lan. Bên cạnh đó, nhiều khả năng, các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ cao cũng sẽ tới đầu tư tại khu công nghiệp công nghệ cao này.