Đồng Nhân dân tệ phía sau vị thế mới
Từ ngày 1/10/2016, giỏ tiền tệ quốc tế - còn được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - đã chính thức được mở rộng với sự tham gia của đồng Nhân dân tệ (NDT).
Trong giỏ SDR mới này, đồng USD chiếm 42%; Euro 31%; Đồng Yen 8 %; Bảng Anh 8% và NDT 11%. Để hòa nhập với 4 đơn vị tiền tệ truyền thống trong SDR của IMF, trong hơn một năm qua, Trung Quốc đã từng bước điều chỉnh tỷ giá hối đoái của đồng NDT theo hướng linh hoạt và sát thị trường hơn.
Tiếp tục xu hướng giảm giá
Các nhà quan sát thị trường Trung Quốc nhận thấy một loạt lý do sẽ khiến đồng NDT tiếp tục xu hướng suy yếu trong vài tháng tới, từ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất vào tháng 12, tới nhu cầu tăng do tính mùa vụ cuối năm đối với đồng USD ở Trung Quốc.
Đồng NDT đã giảm khoảng 1% trong tháng này trong bối cảnh thị trường kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất trong thời gian tới (tâm lý này khiến đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác) và ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) cho phép tỷ giá có thể trượt qua mức 6,7 (6,7 NDT đổi 1 USD) - một mức mà trước đó được coi là chốt chặn tỷ giá giảm sâu hơn.
Đây cũng là một sự thay đổi so với giai đoạn tháng 8, tháng 9 vừa qua khi có những ngờ vực cho rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cố gắng vực dậy đồng NDT trước thời điểm Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 và việc đồng tiền này được đưa vào giỏ dự trữ của IMF.
“PBoC đã cố gắng giữ tiền tệ tương đối ổn định trong những tháng gần đây trong bối cảnh một của một lịch trình các sự kiện mang tính chất chính trị dày đặc cũng như yếu tố mùa vụ cuối năm khiến nhu cầu USD tăng lên. Tuy nhiên, tôi cho rằng PBoC nên để cho phép đồng NDT linh hoạt hơn và mang tính thị trường hơn” - Perry Kojodjojo, một chiến lược gia thuộc Deutsche Bank tại Hồng Kông cho biết.
Các nhà phân tích của Deutsche Bank cho rằng, nhu cầu của người dân và các doanh nghiệp Trung Quốc đối với đồng bạc xanh (USD) sẽ tăng trong ba tháng tới do yếu tố mùa vụ cuối năm và các ngân hàng đang tích lũy USD để phục vụ nhu cầu này cũng như nhu cầu chi tiêu thẻ tín dụng ở nước ngoài cao hơn vào dịp tết Nguyên đán của Trung Quốc vào cuối tháng 1/2017.
Đồng bạc xanh tăng còn do khả năng Fed sẽ tăng lãi suất vào cuối năm nay. Hiện có 64% thành viên thị trường nhận định Fed sẽ tăng lãi suất, cao hơn nhiều lần so với con số 12% vào đầu tháng 7 vừa qua.
“Đồng USD tiếp tục xu hướng tăng giá so với các đồng tiền khác nhất là khi được hỗ trợ bởi khả năng Fed sẽ thắt chặt một chút đối với chính sách tiền tệ. Điều này tất yếu sẽ được phản ánh trong tỷ giá giao dịch giữa đồng USD và NDT” - Shaun Osborne, Giám đốc chiến lược ngoại hối của Ngân hàng Nova Scotia ở Toronto cho biết. "Biên độ giao dịch hẹp mà PBoC đưa ra có thể sẽ được xem như là một mục tiêu cho thị trường và là một dấu hiệu về mức độ chịu đựng được của các nhà quản lý Trung Quốc về biến động tỷ giá hối trong năm 2017”.
Nhìn lại số liệu kinh tế Trung Quốc trong các báo cáo công bố gần đây thì từ tăng trưởng GDP quý III đến doanh số bán lẻ tháng 9 vừa qua đều theo đúng các dự báo đặt ra. Tuy nhiên, chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng.
Dữ liệu tuần trước cũng cho thấy, xuất khẩu bất ngờ giảm mạnh nhất trong bảy tháng và theo chuyên gia Kojodjojo, điều này có thể sẽ thúc đẩy PBoC tìm cách khắc phục “sự định giá quá mức với đồng NDT”.
Kiểm tra “lòng khoan dung” của thị trường
Harrison Hu, kinh tế gia trưởng về Trung Quốc Đại lục của Royal Bank of Scotland Group nhận định: “PBoC sẽ cố gắng để kiểm soát tốc độ (mức độ biến động của NDT), nhưng cũng sẽ cố gắng để tăng thêm sự linh hoạt trong cơ chế điều hành. Họ đang cố gắng để kiểm tra “lòng khoan dung” của thị trường, điểm đáy của thị trường, nhất là để biết được xem đồng NDT có thể tiếp tục giảm giá đến mức độ nào thì thị trường vẫn chấp nhận được mà không trở nên hoảng hốt”.
PBoC tiếp tục can thiệp vào thị trường bằng các thông điệp và quản lý để hướng NDT giảm giá dần mà không gây ra các biến động lớn như các lần phá giá mạnh trước đây. Dù từ đầu năm đến nay, NDT đã giảm khoảng 3,6% nhưng tỷ giá đồng NDT/USD hiện tại vẫn khá sát với dự báo trung bình của thị trường ở mức 6,75 NDT/ USD vào cuối năm nay. Đồng NDT đóng cửa ở mức 6,7385 trong phiên giao dịch ngày 19/10.
Giới phân tích cho rằng, việc đồng NDT được đưa vào giỏ SDR được xem là một bước quan trọng trong việc hội nhập nền kinh tế Trung Quốc vào hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế, đồng thời phản ánh những cải cách trong hệ thống tiền tệ, giao dịch ngoại tệ và tài chính của Bắc Kinh nhưng bên cạnh “vị thế lớn hơn” khi đồng NDT tiến thêm một bước về mức độ quốc tế hóa thì Trung Quốc cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Trong đó, Trung Quốc sẽ phải từng bước áp dụng quy luật tự do, kể cả quyền tự do chuyển vốn, ngoại tệ ra hay vào thị trường Trung Quốc theo luật cung cầu. Thách thức lớn nữa là sẽ khó giữ tỷ giá hối đoái ổn định theo hướng can thiệp mạnh vào thị trường như trước đây. Ngoài ra, cũng sẽ khó có được một chính sách tiền tệ độc lập khi nhà nước vẫn phải bảo vệ các tập đoàn quốc doanh đang gặp khó khăn.
Trong khi đó, việc đồng nội tệ giảm có hỗ trợ nhiều cho xuất khẩu không hiện cũng là một câu hỏi. Bởi về mặt lý thuyết thì đúng như vậy nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi mà thương mại toàn cầu đang ngày càng thể hiện sự sụt giảm thì điều đó chưa chắc mang lại nhiều ý nghĩa.
Theo WTO, lượng hàng hóa giao dịch trên toàn cầu đã giảm mạnh thời gian qua và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong năm tới. Điều đó có nghĩa là, những nước quá lệ thuộc vào xuất khẩu sẽ khó khăn hơn, và dù có điều chỉnh giảm giá đồng nội tệ thì cũng không giúp gì nhiều cho xuất khẩu khi nhu cầu nhập khẩu của các nước không tăng, thậm chí còn giảm đi.
Một viễn cảnh có thể xảy ra với Trung Quốc là dù đồng NDT nằm trong giỏ SDR nhưng kinh tế có thể tiếp tục đà suy giảm, đồng tiền tiếp tục suy giảm và vốn bị rút ra. Để chặn đà “thất thoát” đó, Trung Quốc có thể tiếp tục phải tung dự trữ ngoại hối khổng lồ của mình ra can thiệp, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với tập đệm dự trữ ngoại hối sẽ mỏng đi và ngày càng hao hụt.