Đồng Tháp đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từ năm 2008 - 2020, tỉnh Đồng Tháp chấp thuận chủ trương đầu tư; cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 204 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 21.545 tỷ đồng.
Các dự án thuộc các lĩnh vực: chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và các lĩnh vực liên quan nông nghiệp, nông thôn...Các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của các doanh nghiệp (DN) góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm cho người dân địa phương.
Đến năm 2020, có khoảng 711 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong giai đoạn 2008-2020, vốn đầu tư phát triển cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn có xu hướng ngày càng tăng, ước khoảng 44.050 tỷ đồng. Từ đó, góp phần quan trọng để thực hiện các mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thuận lợi trong thực hiện Nghị quyết 26 là toàn tỉnh có diện tích thực hiện cánh đồng liên kết khá nhiều. Mô hình này giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 3 - 4 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất truyền thống.
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn phát huy hiệu quả tiềm năng sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Tiềm năng đất đai, lao động dồi dào, nhiều vùng sinh thái phù hợp để xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Đồng Tháp xác định tái cơ cấu nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt với phương châm là “Hợp tác, liên kết và thị trường” thích ứng với biến đổi khí hậu. Do đó, tỉnh tập trung nhiều nguồn lực, huy động lồng ghép các nguồn vốn khác nhau để phát triển, cơ cấu lại nông nghiệp phù hợp với tiềm năng, lợi thế, điều kiện tự nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các DN đầu tư, liên kết sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chế biến sâu.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, hạn chế khi số lượng dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều; việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn tập trung, cánh đồng liên kết và chuyển đổi diện tích cây trồng còn nhiều khó khăn.
Ngoài ra, việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có nhiều rủi ro về tài chính do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh, giá cả nông sản không ổn định; một số hợp tác xã nông nghiệp quy mô nhỏ, chưa đủ nguồn lực để hỗ trợ cho DN trong việc cung ứng, thu mua nông sản. Thời gian qua, việc tiếp cận nguồn vốn vay tại các tổ chức tín dụng còn hạn chế, gây khó khăn cho DN muốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh còn chủ yếu dựa vào nguồn vốn đầu tư công. Tuy nhiên, luôn xảy ra tình trạng mất cân đối giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ đầu tư trong nông nghiệp theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP và Nghị định 57/2018/NĐ-CP còn nhiều vướng mắc trong thực hiện do quy định về hồ sơ thủ tục hỗ trợ chưa chặt chẽ, hướng dẫn thực hiện chưa cụ thể... Đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài còn thấp, chưa có dự án quy mô lớn, đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sở KH&ĐT đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới đó là tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của Chính phủ với mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Đồng thời, thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với việc kiến tạo mạnh mẽ nền nông nghiệp hiện đại 4.0; nhân rộng các mô hình giảm giá thành, bón phân thông minh, mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất sạch gắn với thương hiệu vào sản xuất.
Mặt khác, điều chỉnh các điều kiện ưu đãi đầu tư một cách hợp lý, nhằm đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp; tập trung triển khai các dự án, chương trình hợp tác với Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tổ chức FAO, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác.
Thời gian tới, tiếp tục cải tiến và phát triển chuỗi giá trị và nâng cao năng lực cạnh tranh đối với 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh. Trong đó, tập trung vào 2 ngành hàng chủ lực Quốc gia là cá tra và lúa gạo.
Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy mạnh các giải pháp cơ cấu lại đầu tư công theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ưu tiên vốn đầu tư công vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, dự án hạ tầng trọng điểm, có sức lan tỏa rộng, mang tính chất liên vùng tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh và vùng.
Đặc biệt, kêu gọi hỗ trợ từ Trung ương đầu tư hệ thống giao thông thủy, bộ và kết cấu hạ tầng dịch vụ vận tải trong khu vực Tiểu vùng Đồng Tháp Mười để tạo điều kiện khai thác các dự án nông nghiệp lớn và đồng bộ hạ tầng cơ sở của khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thân thiện; đổi mới công tác quảng bá hình ảnh địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư, xúc tiến thương mại thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tạo sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư qua đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới với các DN trong và ngoài nước. Nhất là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với trang thiết bị tiên tiến, quy trình công nghệ sản xuất hiện đại...