Đồng Tháp huy động hơn 208 tỷ đồng phát triển các xã biên giới
Tại 8 xã vùng biên, trong 6 tháng qua, tỉnh tập trung vào lĩnh vực giao thông, thực hiện được 39 công trình, giải ngân hơn 32 tỷ đồng; nhiều công trình, vị trí giao thông đã được sửa chữa và nâng cấp.
Đồng Tháp đã huy động được hơn 208 tỷ đồng để xây dựng các công trình dân sinh, cơ sở hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới đối với tám xã biên giới thuộc các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự.
Số vốn đầu tư này từ nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh, địa phương và nguồn lực của nhân dân.
Theo báo cáo của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng, sáu tháng đầu năm tại tám xã biên giới trên, nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh tập trung vào lĩnh vực giao thông, thực hiện được 39 công trình, giải ngân hơn 32 tỷ đồng. Nhiều công trình, vị trí giao thông đã được sửa chữa, nâng cấp.
Vị trí hư hỏng của Quốc lộ 30 đoạn Hồng Ngự-Dinh Bà, đường ĐT 841 qua các xã biên giới được sửa chữa. Dự án Bến phà Tân Châu-Hồng Ngự đã được tạo điều kiện giao thương thuận lợi phát triển kinh tế các xã biên giới.
Dự án đầu tư xây dựng quốc lộ 30 đoạn Hồng Ngự-Dinh Bà (kết nối với khu vực của khẩu Dinh Bà) được triển khai; khắc phục sạt lở mái taluy đường tuần tra biên giới trên địa bàn thị xã Hồng Ngự và huyện Tân Hồng; thi công hơn 7km đường tuần tra biên giới còn lại (từ cầu Thường Phước 1 đến trạm Kiểm soát biên phòng Ba Nguyên)...
Báo cáo cho biết có 28 công trình về thủy lợi, điện được thực hiện. Đáng chú ý là sáu công trình nước sạch phục vụ hiệu quả sinh hoạt cán bộ, chiến sỹ các Đồn biên phòng Thông Bình, Bình Thạnh, Dinh Bà, Thường Phước… và 1.900 hộ dân khu vực biên giới; đã đầu tư xây dựng 21 hạng mục công trình đảm bảo vượt lũ, cơ sở vật chất phục vụ đủ các cấp học hơn 19 tỷ đồng.
Các chương trình, đề án xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp, đưa lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài và giảm nghèo bền vững từng bước phát huy hiệu quả. Cách làm này giúp thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống vật chất tinh thần người dân được cải thiện, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp, bước đầu tạo thuận lợi phát triển kinh tế vùng biên. Đến nay có hai xã biên giới là xã Tân Hội và Bình Thạnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.
Hệ thống cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi nội đồng, điện, công trình nước sạch, trường học, thương mại-dịch vụ) khu vực biên giới ngày càng hoàn thiện. Hoạt động đối ngoại được củng cố và mở rộng, nhất là quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Prâyveng, Vương quốc Campuchia. Việc phòng, chống các loại tội phạm, đảm bảo an ninh-quốc phòng biên giới giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Kinh tế các xã biên giới chuyển biến tích cực. Hiện tám xã biên giới đều có đường ôtô lưu thông đến trung tâm xã, 99,64% hộ dân sử dụng điện lưới; 97% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, thu nhập bình quân đạt 35,74 triệu đồng/người (tăng 7,6 triệu đồng so cùng kỳ). Cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại tám xã biên giới 7,47% và sáu tháng tỷ lệ hộ nghèo giảm đạt 3,67%.