Dòng tiền cuối năm đổ về địa ốc vùng ven
Có thể nói, năm 2016 là một năm “lên ngôi” thật sự của bất động sản vùng ven, đặc biệt càng về cuối năm, thị trường bất động sản ngoại ô TP. Hồ Chí Minh càng trở nên sôi động khi dòng vốn từ các chủ đầu tư lẫn khách hàng tiếp tục rót mạnh vào phân khúc này.
Cuộc trở mình ngoạn mục
Đúng như kịch bản của giới chuyên môn từng dự báo, các địa phương “sân sau” của TP.Hồ Chí Minh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An sẽ sớm sôi động trong xu hướng giãn dân tự nhiên và được định hướng.
Nói đến thị trường bất động sản vùng ven là nói đến các địa phương Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Tuy nhiên, trong năm 2016, thị trường này cũng đã có sự phân hóa khá mạnh, trong khi Bình Dương bị bão hòa về giao dịch, thì thị trường Đồng Nai và Long An lại có sự sôi động ngoạn mục.
Với thị trường Đồng Nai, theo ghi nhận của phóng viên Đầu tư Bất động sản, năm 2016 là năm đầu tiên trong nhiều năm qua, thị trường này có sự tăng trưởng mạnh về giao dịch. Các dự án luôn nhận được sự quan tâm cao của khách hàng. Điều này có thể chứng minh từ thực tế mở bán các dự án gần đây nhất của các dự án như mới đây, Công ty Kim oanh mở bán dự án Bien Hoa Riverside, chỉ trong 1 giờ đồng hồ, toàn bộ 268 nền đất đều được đặt mua.
Đặc biệt hơn là dự án Khu đô thị Long Hưng tọa lạc ngay Thành phố Biên Hòa. Theo bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Eximrs, doanh nghiệp phân phối độc quyền Dự án Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng cho biết, chỉ sau hơn 3 tháng chính thức mở bán dự án này, đến nay đã có gần 1.000 sản phẩm đất nền của dự án đã có chủ.
“Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, tôi chứng kiến thị trường Đồng Nai có sức hút tốt đến vậy. Trung bình mỗi tuần có hàng trăm khách hàng đến Dự án Long Hưng tìm hiểu và đăng ký mua, khiến giá đất tại dự án Long Hưng gần đây cũng đã tăng mạnh, những khách hàng mua đợt đầu với giá chỉ từ 7 đến 7,5 triệu đồng/m2, hiện đang bán lại với mức chênh 500 đến 1 triệu đồng/m2”, bà Tú chia sẻ.
Tuy nhiên, đáng chú ý hơn đối với bất động sản vùng ven gần đây phải kể đến là thị trường Long An. Trong số các tỉnh lân cận TP. Hồ Chí Minh, có thể nói thị trường bất động sản Long An “sinh sau đẻ muộn” hơn cả, nhưng thời gian qua, Long An có bước đột phá khá mạnh với khá nhiều nhà đầu tư tên tuổi đã quyết định "đổ" vốn vào địa phương này. Nhiều dự án khu đô thị lớn như Làng Sen Việt Nam do Công ty Phúc Khang làm chủ đầu tư, dự án Khu dân cư Thương mại Cát Tường Phú Thạnh, dự án Khu đô thị TM-DV Cát Tường Phú Nguyên Residence do công ty Cát Tường làm chủ đầu tư, dự án Thanh Yến Residence, Nam Long, Tân Tạo, Đồng Tâm…
Đặc biệt, mới đây Tập đoàn Quốc tế Năm Sao đã bắt tay thực hiện dự án Thành phố sinh thái Năm Sao (Five Star Eco City) tại huyện Cần Giuộc (Long An), dự án chỉ cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh 18 km, nằm ở vị trí cửa ngõ đi các tỉnh miền Tây thông qua các trục quốc lộ 1A, cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đây là dự án được Nam Sao đầu tư như một thành phố thu nhỏ dựa trên nhu cầu thực của thị trường, từ khả năng tiếp cận dễ dàng, các mô hình nhà ở đa dạng và linh hoạt, được sống trong một môi trường sinh thái, trong lành…
Lợi thế giá mềm và hạ tầng kết nối
Theo phân tích của giới chuyên môn, có hai yếu tố cơ bản nhất làm cho thị trường bất động sản vùng ven trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư là giá đất còn mềm và hạ tầng kết nối. Nếu như với Đồng Nai, điểm nhấn về hạ tầng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thiện, nhiều công trình trong tương lai đang được đón đầu là sân bay Quốc tế Long Thành, cầu Cát Lái hay tuyến metro nối TP. Hồ Chí Minh với Biên Hòa... thì với Long An, điểm nhấn đang được giới đầu tư nhắm đến Long An là một trong những vùng kinh tế có nhiều tiềm năng và được quy hoạch thành khu đô thị mở của TP.Hồ Chí Minh.
Định hướng chính là phát triển khu kinh tế trọng điểm gồm 9 huyện, thị phía Đông Nam, bao gồm TP. Tân An, huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành, Thủ Thừa, Đức Huệ, Thạnh Hóa.
Bên cạnh đó, Long An đang là địa phương có sự bứt phát mạnh trong các công trình hạ tầng kết nối. Từ TP. Hồ Chí Minh đến Long An, ngoài tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ hình thành trong tương lai, hiện tại, người dân từ TP. Hồ Chí Minh có thể di chuyển đến Long An bằng nhiều tuyến đường khác nhau đường Nguyễn Hữu Trí (điểm đầu tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh và điểm cuối ngay thị trấn Bến Lức), cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương hoặc Quốc lộ 1A chỉ trong vòng 30 phút.
Đặc biệt, thị trường bất động sản Long An được chú trọng nhiều hơn tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, đây là tuyến đường bộ cao tốc lớn nhất miền Nam, với tổng chiều dài hơn 57 km, đi qua địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An và dự kiến toàn tuyến sẽ hoàn thành vào năm 2018.