Điểm danh 10 dự báo về thị trường bất động sản trong năm 2017

Theo laodong.com.vn

Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa đưa ra 10 dự báo về thị trường bất động sản (BĐS) trong năm 2017 và giai đoạn 5 năm tới. Dưới đây là thông tin chi tiết.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Thứ nhất, thị trường BĐS vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng, nhưng có thể tiếp tục xu thế chững lại so với năm 2016. Dự báo thị trường đến năm 2020 sẽ có sự điều chỉnh lớn nhằm giải quyết sự lệch pha cung - cầu, hiện đang có xu thế lệch về phía phân khúc BĐS cao cấp (gồm cả BĐS du lịch nghỉ dưỡng).

Thứ hai, sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường BĐS có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp đô thị. Điển hình, Vingroup vừa công bố kế hoạch phát triển 200.000-300.000 căn nhà có giá từ 700 triệu đến 1 tỉ đồng/căn trong 5 năm tới; Him Lam Land cũng mới công bố phát triển hàng ngàn căn hộ cao cấp có giá trên dưới 1 tỉ/căn…

Thứ ba, xu thế hợp tác giữa các doanh nghiệp là tất yếu.

Thứ tư, hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp và chuyển nhượng dự án (M&A) sẽ phát triển mạnh hơn trước đây.

Thứ năm, Nhà nước sẽ ban hành nhiều quy phạm pháp luật, đồng thời sử dụng các công cụ về thuế (như thuế đánh vào những người có nhiều nhà, thuế BĐS); công cụ về tín dụng (như lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường BĐS theo Thông tư số 06/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước); công cụ về quy hoạch (như quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở; quy hoạch sử dụng đất); các công cụ hành chính nhằm ràng buộc nghĩa vụ của nhà đầu tư để bảo vệ người tiêu dùng (như xác nhận dự án đủ điều kiện huy động vốn; bảo lãnh ngân hàng; công bố dự án đã thế chấp; chủ đầu tư phải giải chấp hoặc phải được ngân hàng nhận thế chấp đồng ý mới được bán nhà ở hình thành trong tương lai...), để điều chỉnh thị trường BĐS nhằm mục tiêu phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững; Dự báo thủ tục hành chính sẽ được thông thoáng, đơn giản hơn, giảm dần tình trạng nhũng nhiễu hiện nay.

Thứ sáu, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài và nguồn kiều hối vẫn là nguồn lực quan trọng đầu tư vào thị trường BĐS trong 5 năm tới đây.

Thứ bảy, quy mô thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh đã vượt ra khỏi ranh giới hành chính trong "Vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh", nhất là tại các huyện giáp ranh với TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp phải có sự chuyển đổi cơ bản, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thể hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội và trách nhiệm với khách hàng.

Thứ tám, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư và xu thế phát triển các dự án BĐS xanh, thân thiện với môi trường, an toàn, đầy đủ tiện ích là những đòi hỏi mới của người tiêu dùng mà nhà đầu tư phải đáp ứng.

Thứ chín, ngoài ra, hiện nay cũng đã xuất hiện một số yếu tố tiềm ẩn rủi ro trên thị trường BĐS như hiện tượng lệch pha cung - cầu, sự gia tăng mạnh của các nhà đầu tư thứ cấp, hay nguồn cung tín dụng có xu hướng tập trung vào những tập đoàn lớn đầu tư vào phân khúc BĐS cao cấp, nghỉ dưỡng...

Thứ mười, tình hình đảm bảo an toàn và xử lý các tranh chấp trong chung cư còn diễn biến phức tạp. Trước hết là an toàn phòng cháy chữa cháy và các tranh chấp hầu hết xảy ra tại các chung cư bình dân và các chung cư cũ. Các tranh chấp chủ yếu liên quan đến việc quản lý, sử dụng diện tích sở hữu chung (bãi giữ xe, sân, nhà sinh hoạt cộng đồng, phần diện tích kinh doanh...); tổ chức đại hội chung cư, bầu ban quản trị; phí bảo trì chung cư; mức thu và sử dụng phí quản lý vận hành chung cư; việc chủ đầu tư thế chấp căn hộ đã bán cho người tiêu dùng; chung cư chưa đủ điều kiện an toàn cho người sử dụng nhưng đã đưa người dân vào ở; kéo dài, không làm sổ đỏ cho người mua nhà...

Theo số liệu của Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy thì mới chỉ có 366 trong số 682 chung cư (chiếm 53,6%) đã được nghiệm thu hệ thống PCCC, còn lại đều chưa được nghiệm thu. Tất cả các vấn đề trên tác động đến tâm lý người dân, làm người tiêu dùng bất an, tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi và tăng trưởng của thị trường BĐS.