Dòng tiền đang chảy đi đâu?
Sự trầm lắng của các kênh đầu tư: vàng, chứng khoán, bất động sản phản ảnh rằng dòng tiền đang rời bỏ các thị trường này.
Dòng tiền đang trú ẩn vào đâu đang là câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Chứng khoán: Tiền nén lại
Bất chấp giảm điểm, thị trường chứng khoán đầu tuần 16- 20/12 đã có phiên giao dịch bùng nổ về giá trị và khối lượng giao dịch với cả khớp lệnh lẫn thỏa thuận. Chỉ tính riêng trên HSX, thị trường đã có giao dịch trong lên đến hơn 5.670 tỷ đồng, trong đó giao dịch thoả thuận lên đến 2.544 tỷ đồng.
So với trung bình phiên của tháng 10 và 11, thị trường đã có giá trị giao dịch bình quân phiên thấp, dưới 4.000 tỷ đồng, nhưng xen kẽ vẫn có những đợt bùng nổ ngắn hạn và ngược chiều với chỉ số giảm điểm, đây là tín hiệu cho thấy dòng tiền vẫn đang ở thị trường. Ngay cả việc khối ngoại bán ròng hàng trăm tỷ đồng cũng là một cơ sở để cho thấy có “người bán được – phải có người mua”.
Do thị trường chứng khoán, vàng, bất động sản đang có xu hướng chững lại, nên nhiều nhà đầu tư vẫn đang đứng ngoài thị trường, chờ cơ hội thích hợp để tham gia đầu tư nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
Ông Ngọc Hoàn, Chuyên gia đầu tư tài chính, cho rằng riêng về dòng tiền khối ngoại, sau giai đoạn rút vốn từ các quỹ ETF rất mạnh, xu hướng thoái vốn hiện đã chậm lại. Đáng chú ý từ nay đến ngày cuối cùng chốt giá trị tài sản ròng (NAV), khối ngoại có thể sẽ tăng mua để làm đẹp NAV, qua đó góp phần cải thiện thanh khoản.
Quay trở lại với khối nội- trợ lực quan trọng trên thị trường. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, mặc dù kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2019 của các công ty chứng khoán giảm mạnh, lãi từ cho vay ký quỹ vẫn tăng lên đáng kể. Dữ liệu lịch sử cũng cho thấy mối tương quan dương giữa dư nợ ký quỹ và VN-Index. “Mặc dù mối quan hệ đã không còn mạnh như năm 2017, nhưng dư nợ margin tăng lên sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán”, VDSC nhận đinh.
Khi dư nợ margin tăng lên mà thị trường vẫn chưa thực sự bùng nổ, thì rõ ràng dòng tiền đang nén lại, chờ điều kiện chín muồi.
Bất động sản và trái phiếu: Tiền chạy lòng vòng
Trong khi thị trường bất động sản (BĐS) luôn được phản ánh là trầm lắng, nhưng tín dụng BĐS lại cho những con số ngược lại.
Số liệu từ NHNN tính đến cuối tháng 8/2019 cho thấy, tín dụng BĐS (bao gồm cả mục đích kinh doanh và tự sử dụng) tăng 14,58% so với cuối năm 2018, chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế. Ðây là con số khá cao so với các lĩnh vực khác như đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng 8,7%, chiếm 0,4% tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 13,92%, chiếm 20,69% tổng dư nợ nền kinh tế...
Như vậy có thể thấy, ngành ngân hàng chỉ tạm thời thận trọng, chứ chưa đóng cửa với BĐS. Chiếu qua thị trường, một loạt các doanh nghiệp BĐS vẫn ghi nhận mức hấp thụ hàng hóa lớn trong 9 tháng 2019, là một minh chứng.
Điều đáng nói, bên cạnh 1,5 triệu tỷ đồng đang ở trong tín dụng BĐS, trái phiếu BĐS cũng đang “neo” không ít tiền trên thị trường. Ước tính sơ bộ, trong khoảng gần 200.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành, có gần tới 35% trái phiếu thuộc về khối BĐS. Như vậy, bên cạnh tín dụng cá nhân vay mua nhà, thì không ít ngân hàng cũng đang bỏ tiền trong trái phiếu doanh nghiệp.
Lãnh đạo một ngân hàng tiết lộ, có ngân hàng tư vấn – chào bán trái phiếu cho doanh nghiệp BĐS, đồng thời phát hành cả trái phiếu của chính ngân hàng để đầu tư cho vay hoặc “ôm” trái phiếu để 2 bên cùng có lợi: Doanh nghiệp đảo nợ, còn ngân hàng vẫn sạch bảng cân đối tài sản, không tăng nợ xấu.
“Cảnh báo mới của Bộ Tài chính với thông điệp rõ ràng về việc các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường công tác quản lý giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực phát hành trái phiếu doanh nghiệp hy vọng có thể khiến trái phiếu doanh nghiệp được giảm sức nóng từ từ, không bị xì đột ngột, khiến dòng tiền đang chờ thời vào thị trường này khựng lại và có thể chảy sang các kênh khác”, vị lãnh đạo ngân hàng nói trên chia sẻ.