ADB dự báo kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng cao trong 2019


Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa đưa ra dự báo về Triển vọng phát triển châu Á năm 2019, trong đó đi ngược với tốc độ tăng trưởng chậm lại của các nước khu vực Đông Nam Á, nền kinh tế Việt Nam năm 2019 sẽ tăng trưởng 6,9% thay vì 6,8% như con số ước tính trước đó.

GDP của Việt Nam năm 2019 sẽ tăng trưởng 6,9% thay vì 6,8% như con số ước tính trước đó
GDP của Việt Nam năm 2019 sẽ tăng trưởng 6,9% thay vì 6,8% như con số ước tính trước đó

Theo đó, tại ấn bản bổ sung của Báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á 2019 (ADOU2019) vừa được công bố, ADB nhận định, GDP năm 2019 của Việt Nam có thể đạt mức 6,9% so với 6,8% đưa ra hồi tháng 9. Đồng thời, mức dự báo GDP năm 2020 cũng tăng lên 6,8%, so với mức 6,7% đưa ra trước đây.

Theo ADB, GDP trong ba quý đầu năm 2019 của Việt Nam đạt 7%, mức cao nhất so với cùng kỳ trong 9 năm qua. Bên cạnh đó, chỉ số tiêu dùng cá nhân tăng 7,3%; đầu tư tăng 7,7%.

Lý giải về mức độ tăng trưởng trên, ADB nhận định, trong thời gian qua môi trường kinh doanh tại Việt Nam được cải thiện rõ nét nhờ đó niềm tin của các nhà đầu tư được duy trì kéo theo sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài.

ADB cũng đưa ra nhận định, với xung lực tăng trưởng mạnh mẽ ngoài dự kiến trong quý III, trong quý cuối năm 2019 và bước sang năm 2020 nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng trên của Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì.

Cũng theo báo cáo bổ sung của ADB, ngược với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á tiếp tục tăng trưởng chậm lại do xuất khẩu sụt giảm, đầu tư suy yếu.

 ADB dự kiến GDP trong khu vực sẽ đạt 5,2% trong cả năm 2019 và 2020, giảm so với dự báo tăng trưởng đưa ra hồi tháng 9 là 5,4% cho năm 2019 và 5,5% cho năm 2020.  Tổ chức này hạ mức tăng trưởng với Singapore và Thái Lan.

Ở khu vực Đông Á, ADB dự báo, GDP năm 2019 của Trung Quốc sẽ đạt 6,1% và giảm về 5,8% vào năm tới. Sự sụt giảm này là do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại và tình trạng suy giảm hoạt động toàn cầu, kết hợp với nhu cầu nội địa suy yếu khi ngân sách của các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi giá thịt lợn đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.

Ở Nam Á, tăng trưởng của Ấn Độ được dự báo đạt mức thấp hơn là 5,1% trong năm tài khóa 2019, do thua lỗ của một công ty tài chính phi ngân hàng lớn trong năm 2018 dẫn tới tâm lý e ngại rủi ro trong lĩnh vực tài chính và thắt chặt tín dụng. 

Theo ông Yasuyuki Sawada - chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, mặc dù tốc độ tăng trưởng ở châu Á đang phát triển vững vàng, nhưng do tác động của căng thẳng thương mại kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực tới khu vực này và hiện đang là nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng kinh tế trong dài hạn.

Bên cạnh đó, ADB cũng dự báo lạm phát châu Á ở mức 2,8% trong năm 2019 và 3,1% vào năm 2020, tăng so với con số dự báo hồi tháng 9 là 2,7% trong cả năm nay và năm sau.