Dòng tiền đang đổ vào đâu?
(Tài chính) Các ngân hàng vẫn than khó bơm vốn, tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng èo uột… Song cũng như mọi năm, tăng trưởng tín dụng lại tăng vọt vào những tháng cuối cùng. Vậy có hay không chuyện đột biến tăng trưởng tín dụng? Dòng vốn được bơm ra chủ yếu chảy vào đâu? Mua sắm ô tô, bất động sản… hay đi vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh?
Nhu cầu sử dụng vốn cuối năm cao
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 10 tháng đầu năm 2014, tăng trưởng tín dụng chỉ mới đạt 7,85% so với cuối năm 2013. Nhưng cuối tháng 11-2014 con số này đã ở mức 10,22%. Và dự kiến năm 2014 tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ về đích với con số là 13%.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng nhu cầu sử dụng vốn cuối năm bao giờ cũng cao hơn các tháng trong năm là do phục vụ các mặt hàng tết. Hoạt động cho vay cuối năm cũng trở nên sôi động hơn, các nhu cầu vốn chính đáng của doanh nghiệp đều được đáp ứng cả. Bởi vậy việc tín dụng tăng nhanh hơn vào những tháng cuối năm là điều rất bình thường.
Tại TP. Hồ Chí Minh, theo ông Minh, dự kiến cả năm mức tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 11%, trong khi mục tiêu đề ra khoảng 12%. Tuy không đạt kế hoạch nhưng mức này đã tăng khoảng 2% so với năm 2013. Nói như vậy không có nghĩa là ngân hàng nào cũng tăng trưởng tốt. Hiện có 1-2 ngân hàng đang rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Cũng có một số ngân hàng, không chỉ ở những tháng cuối năm mà nhiều tháng trước đây đã đều đặn tăng trưởng tốt.
Một lý do nữa vì sao tín dụng cuối năm tăng nhanh, ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng Giám đốc Vietbank, phân tích, các hợp đồng mà ngân hàng đã ký với doanh nghiệp từ nhiều tháng trước, đâu phải tới tận tháng 11, 12 mới ký. Bởi vậy vốn sẽ được giải ngân trong những tháng cuối năm cho doanh nghiệp là từ các hợp đồng cũ.
Ngân hàng cũng chịu sức ép về chỉ tiêu kế hoạch nên cũng muốn giải ngân những hợp đồng này và nguồn vốn bơm ra chủ yếu là để phục vụ cho các mặt hàng tết. “Tất nhiên nhu cầu của người dân chuẩn bị cho tết như mua sắm hay sửa nhà, xây nhà, mua nhà… vào những tháng cuối năm cũng tăng. Vì thế một phần dòng vốn chảy vào đây” - ông Nhung nói.
80% vốn đi vào kinh doanh
Vậy tín dụng chảy vào sản xuất, kinh doanh hay đi vào bất động sản, tiêu dùng… nhiều hơn? Ông Minh cho rằng tại TP. Hồ Chí Minh 80% vốn đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, chỉ còn 20% đi vào bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng... Dòng vốn chảy vào sản xuất, kinh doanh chủ yếu với kỳ hạn trung, dài đã góp phần rất lớn cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh. Bởi thế không có gì đáng lo ngại với mức tăng trưởng như hiện nay vì chất lượng tín dụng của năm nay được đánh giá tốt hơn năm ngoái.
Tại Sacombank, ông Phan Huy Khang, Tổng Giám đốc, cho biết tăng trưởng của ngân hàng này dự kiến đạt khoảng 14%, trong đó cho vay khách hàng cá nhân lên tới 50%, cho vay doanh nghiệp vào khoảng 45%.
Còn lãnh đạo Ngân hàng Vietbank cho hay tín dụng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mà chủ yếu là phục vụ các mặt hàng tết như bánh kẹo… chiếm tới 30%, đổ vào bất động sản bao gồm cả mua nhà, sửa chữa, xây mới khoảng 40%, còn tiêu dùng như mua ô tô… chỉ 10% và 20% là những lĩnh vực khác.
Vấn đề không phải nằm ở cho vay ở lĩnh vực nào thì tốt hơn lĩnh vực nào. Cái quan trọng là làm sao dòng vốn được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Bởi vì theo ông Trần Tấn Lộc, Phó Tổng Giám đốc Eximbank, ở mỗi ngân hàng có phân khúc khách hàng khác nhau thì dòng vốn sẽ đi vào các kênh khác nhau. Với những ngân hàng mạnh về bán lẻ thì cho vay tiêu dùng sẽ cao hơn cho vay đầu tư và ngược lại. Riêng Eximbank đến nay tăng trưởng khoảng 6%, trong đó lĩnh vực tiêu dùng khoảng 2%.