Dòng tiền đầu tư vào các quỹ ETF và quỹ chủ động kém tích cực
Báo cáo cập nhật diễn biến dòng vốn đầu tư của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, đảo chiều rút ròng là xu hướng chính của dòng tiền đầu tư vào các quỹ ETF và quỹ chủ động trong tháng 8/2023.
Dòng vốn ETF đảo chiều rút ròng
Theo Báo của SSI, dòng vốn ETF chưa lấy lại được xu hướng tích cực mà chuyển sang trạng thái rút ròng 3,4 nghìn tỷ đồng ở hầu hết các quỹ sau 2 tháng giao dịch khá cân bằng.
Xét về thị trường, toàn bộ nhóm quỹ có tỷ trọng lớn từ nhà đầu tư châu Á (Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan) đều bị rút mạnh, trong đó, dẫn đầu là Fubon ( rút ròng 1.274 tỷ đồng). Mặc dù lượng vốn rút chỉ tương đương 6% tài sản quỹ nhưng việc rút đều đặn đã phần nào tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam...
Nhóm quỹ đến từ thị trường Âu Mỹ cũng chịu áp lực rút vốn nhưng mức độ nhỏ hơn. Cụ thể, quỹ iShares MSCI FM ETF và Xtracker FTSE Vietnam bị rút 409 tỷ đồng và 189 tỷ đồng trong tháng 8/2023. Tính chung trong tháng 8, các quỹ ETF đầu tư vào Việt Nam đã bị rút ròng -3.404 tỷ đồng, đưa giá trị dòng vốn ETF từ đầu năm giảm xuống còn 2.051 tỷ đồng.
Về tỷ suất lợi nhuận một số quỹ ETF tại Việt Nam, hoạt động rút vốn chịu ảnh hưởng mạnh từ tâm lý quản trị rủi ro của nhà đầu tư cá nhân nước ngoài.
Theo SSI, hiện dòng vốn ETF vào Việt Nam có tỷ trọng chủ yếu đến từ các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài và tương quan nghịch chiều với biến động tỷ giá. Thông thường các giai đoạn tỷ giá USD/VND có biến động mạnh trong tháng (tháng 6/2018, tháng 3/2020, tháng 10/2022) cũng là những giai đoạn dòng vốn ETF ghi nhận rút ròng.
Tuy nhiên, tỉ suất lợi nhuận của các quỹ ETF vẫn ghi nhận mức sinh lời khả quan kể từ đầu năm đến nay. Trong đó, điểm tích cực trong tháng là quỹ CGS Fullgoal Vietnam 30 Sector Cap ETF với quy mô IPO 25,5 triệu USD đã được niêm yết trên SGX vào ngày 25/8.
Các quỹ đầu tư chủ động thận trọng
Báo cáo của SSI có nhận định, xu hướng giao dịch từ các quỹ chủ động đảo chiều kém tích cực trong tháng 8/2023. Dòng vốn từ các quỹ chủ động đầu tư vào Việt Nam đảo chiều rút ròng nhẹ 167 tỷ đồng trong tháng vừa qua. Tuy nhiên, mức độ rút ròng chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng tài sản quỹ và tính trong 8 tháng đầu năm, dòng tiền từ các quỹ chủ động duy trì vào ròng hơn 4.000 tỷ đồng.
Dòng tiền từ các quỹ chủ động thường có xu hướng ổn định hơn và mang xu hướng dài hạn và do vậy các biến động của tỷ giá trong ngắn hạn không có nhiều tác động tới vị thế của các quỹ.
“Nhìn chung, dòng tiền từ các quỹ chủ động vẫn chưa cho thấy các tín hiệu đáng lo ngại ở thời điểm hiện tại. Khác với giai đoạn đầu năm khi định giá thị trường ở mức thấp, yếu tố có thể giúp thúc đẩy dòng vốn từ các quỹ chủ động tiếp tục vào thị trường Việt Nam là kỳ vọng tích cực hơn về tăng trưởng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp và các biện pháp hỗ trợ thực tế hơn từ phía Chính phủ có thể là một điểm cộng. Tuy nhiên, rủi ro cũng cao hơn trong trường hợp tăng trưởng không đạt như kỳ vọng”, các chuyên gia của SSI nhận định trong Báo cáo.