Dòng tiền hoạt động của ngành xây dựng được kỳ vọng sẽ cải thiện trong năm 2025

Tiến Dũng

Trên cơ sở đánh giá, phân tích tổng quan các yếu tố tác động đến doanh thu, lợi nhuận và khả năng trả nợ, cùng với với sự phục hồi đáng kể của ngành xây dựng nhờ vào giải ngân đầu tư công và dòng vốn nước ngoài mạnh mẽ, trong báo cáo nhận định do Công ty Cổ phần xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) phát hành ngày 26/3 đưa ra nhận định, nhìn chung các hoạt động xây dựng đã bùng nổ từ năm 2024 và tiếp tục kéo dài sang cả năm 2025.

Biểu đồ minh hoạ của VIS Rating về triển vọng doanh thu, lợi nhuận ngành xây dựng trong năm 2024 và triển vọng 2025
Biểu đồ minh hoạ của VIS Rating về triển vọng doanh thu, lợi nhuận ngành xây dựng trong năm 2024 và triển vọng 2025

Theo đó, từ nửa cuối năm 2024, với việc gia tăng cấp phép các dự án bất động sản, nhu cầu xây dựng nhà ở đã phục hồi và dự báo sẽ tăng tốc trong năm 2025. Nhờ đó khả năng sinh lời và trả nợ của các DN xây dựng sẽ tiếp tục cải thiện trong 2025.

Đáng chú ý, trong năm 2024, đóng góp của ngành xây dựng vào GDP tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 28 tỷ USD. Giải ngân đầu tư công và FDI đều đạt mức cao kỷ lục, lần lượt là 660 nghìn tỷ đồng và 25,35 tỷ USD đã thúc đẩy hoạt động xây dựng trong các dự án cơ sở hạ tầng và công nghiệp lớn trên cả nước.

“Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng ở các phân khúc này sẽ vẫn duy trì mạnh mẽ trong năm 2025, dựa vào mức tăng 28% về giải ngân đầu tư công theo kế hoạch và dự báo giải ngân FDI sẽ vượt 30 tỷ USD năm nay. Trong phân khúc xây dựng nhà ở, việc gia tăng cấp phép các dự án bất động sản từ nửa cuối năm 2024 sẽ tái khởi động các hoạt động xây dựng và thúc đẩy ký kết các hợp đồng mới” – báo cáo của VIS Rating lạc quan nhận định.

Ngoài ra, dữ liệu phân tích của VIS Rating đối với 25 công ty xây dựng niêm yết hàng đầu theo doanh thu trong phạm vi nghiên cứu như Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã HBC), Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã CTD)… cho thấy nguồn việc (backlog) đáng kể và các hợp đồng lớn mới sẽ củng cố doanh thu và lợi nhuận của các công ty xây dựng trong năm 2025. Chưa kể, triển vọng tăng trưởng tiếp tục được thúc đẩy bởi sự phục hồi từ hoạt động cốt lõi, đặc biệt ở các phân khúc công nghiệp và cơ sở hạ tầng. Do đó, VIS Rating kỳ vọng hoạt động xây dựng phục hồi mạnh mẽ trong năm 2025 và giá đầu vào ổn định sẽ tiếp tục thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận của ngành cải thiện thêm.

Đưa ra nhận định thêm, VIS Rating cho rằng, các công ty xây dựng lớn với doanh thu hàng năm trên 5 nghìn tỷ đồng có tỉ lệ bao phủ nợ ngắn hạn cao hơn đáng kể so với các công ty cỡ vừa. Các công ty lớn này chủ yếu tham gia vào các đại dự án do chính quyền trung ương, FDI và các chủ đầu tư lớn tài trợ. Các dự án này đa phần được thực hiện đúng tiến độ, cho phép các công ty nhận thanh toán đúng hạn và cải thiện khả năng bao phủ nợ ngắn hạn. Do đó, trong tương lai ngắn hạn năm 2025, nhờ năng lực vượt trội và uy tín đã được khẳng định, các công ty lớn có khả năng giành được các dự án có lợi nhuận cao, từ đó sẽ tiếp tục cải thiện khả năng bao phủ nợ so với các công ty nhỏ hơn.

Ngoài ra, do được thúc đẩy bởi sự phục hồi của thị trường bất động sản, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của các Công ty xây dựng trong năm 2025 được đánh giá sẽ cải thiện so với năm 2024 có nhiều biến động, nhất là các biến động dòng tiền do các khoản thanh toán chậm từ các chủ đầu tư bất động sản, là một mối lo ngại lớn về tín nhiệm đối với ngành xây dựng trong thời kỳ thị trường bất động sản gặp khó khăn.

“Tuy nhiên, trong thời gian tới, sự phục hồi của thị trường bất động sản và khả năng tiếp cận nguồn vốn tăng lên sẽ tăng cường thanh khoản của các chủ đầu tư và đẩy nhanh việc thanh toán cho các công ty xây dựng. Do đó, dòng tiền hoạt động của ngành xây dựng sẽ cải thiện vào năm 2025” – báo cáo của VIS Rating kết luận.