Dòng tiền nội sẽ giúp VN-Index tiếp tục chinh phục vùng điểm mới?
Trong bối cảnh khối ngoại giảm áp lực bán, dòng tiền nội nâng đỡ, chỉ số chứng khoán VN-Index được kỳ vọng sẽ chinh phục vùng điểm mới, sau khi vượt mức tâm lý 800 điểm.
Dòng tiền nội giúp chỉ số vượt mức tâm lý 800 điểm
Sau hơn 3 tuần không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, thêm vào đó thị trường thế giới thuận lợi, khối ngoại giảm bán ròng, khối tự doanh CTCK hỗ trợ mang tính kỹ thuật, chỉ số chuẩn VN-Index tăng điểm trên diện rộng với 17/19 ngành tăng điểm. Đáng chú ý, khác với diễn biến 2 tuần trước, dòng tiền đã hướng tới các nhóm cổ phiếu lớn ngành Ngân hàng, Bất động sản, Dầu khí, Tài nguyên cơ bản đẩy chỉ số tăng 5,8%.
Thống kê từ BSC cho thấy, top 3 ngành tăng điểm mạnh nhất là: Dầu khí (7,98%), Ngân hàng (7,09%), Bất động sản (6,76%). Ngược lại, top 3 ngành giảm điểm mạnh nhất là: Viễn thông (-10,21%), Truyền thông (-1,13%).
Xét về cơ cấu vốn hóa, nhóm LargeCap tăng 4,48%, MidCap tăng +1,32%, SmallCap tăng +1,00%, Pennies tăng +0,49%, VN30 tăng 6,27%.
Về khối ngoại, nhóm này tiếp tục bán ròng mạnh trên cả HSX và HNX. Theo đó, họ bán ròng 2.627 tỷ trên sàn HSX và 92,2 tỷ trên sàn HNX. Trên cả 3 sàn, khối ngoại bán ròng 2.084,4 tỷ VHM; 140,2 tỷ VIC và 102,6 tỷ STB trong khi mua ròng 110,1 tỷ VNM; 86,1 tỷ VPB và 56,3 tỷ MSN. Top 10 mã mua ròng mang về 409,4 tỷ và khối ngoại rút -2.679,4 tỷ từ top 10 mã bán ròng.
Ngoài ra, thống kê khác cho thấy Khối tự doanh đã mua ròng 1.218 tỷ đồng. Hoạt động mua ròng mạnh diễn trong phiên cuối tuần đạt 1.083,3 tỷ. Khối tự doanh bán ròng 16,9 tỷ E1VNFN30; 12,3 tỷ NKG, 6,6 tỷ NT2 và mua ròng 129.6 tỷ VNM; 126,2 tỷ HPG và 94,6 tỷ VIC.
Ngoài ra, thống kê từ BSC cho thấy, đã có 716/760 công ty Hose và HNX đã công bố KQKD với tổng LNST 41,6 nghìn tỷ, giảm 23,3% so cùng. Trong đó: 42% số công ty công bố có lợi nhuận tăng trưởng dương và 20% công ty thua lỗ; 3 công ty tăng LNST tuyệt đối lớn nhất VHM (4.303 tỷ), VPB (891 tỷ), HPG (484 tỷ), và 3 công ty giảm lớn nhất gồm HVN (-3.824 tỷ), PLX (-3.094 tỷ), VJC (-2.454 tỷ).
Trong nhóm VN30, nhóm này tăng trưởng LNST 0,3%; 44% công ty tăng trưởng dương và 7% công ty thua lỗ. Kết quả kinh doanh này phản ánh thực trạng hoạt động các công ty trước đại dịch COVID-19. Những cổ phiếu có lợi nhuận sụt giảm mạnh thuộc nhóm Hàng Không, Dầu khí vốn bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh.
Giao dịch thế nào trong tuần 11/5 – 15/5?
CTCK Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BSC): Giữ tỷ trọng, tiếp tục theo dõi
BSC đánh giá, VN-Index ngắn hạn sẽ vượt 800 điểm, củng cố xu hướng hồi phục ngắn hạn. Nhà đầu tư có thể thực hiện mua bán trading nhanh với cổ phiếu có sẵn vị thế.
Ở góc nhìn trung dài hạn, nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng, tiếp tục theo dõi vận động của dòng tiền và chỉ số.
CTCK Tân Việt (TVSI): Nhà đầu tư đã mua trong phiên 8/5 có thể giữ vị thế nắm giữ
Chỉ số trên đồ thị ngày đã bứt phá thành công khỏi vùng kháng cự 780-810 điểm. Áp lực bán có dấu hiệu tăng mạnh về cuối phiên 8/5 có thể làm xuất hiện rung lắc trong những phiên tới, mặc dù vậy diễn biến tăng giá dự báo sẽ là diễn biến chính với mục tiêu 850-870 điểm.
TVSI đánh giá, nhà đầu tư đã mua trong phiên cuối tuần trước ngày 8/5 có thể giữ vị thế nắm giữ.
CTCK Bảo Việt (BVSC): Đối với các vị thế ngắn hạn đang có, nhà đầu tư có thể canh bán
Sau khi vượt qua vùng đỉnh cũ 795-800 điểm, VN-Index nhiều khả năng sẽ có nhịp “throwback” để kiểm định lại vùng điểm này. Nếu kiểm định thành công, chỉ số có cơ hội kéo dài nhịp hồi phục với đích đến gần nằm tại 845-860 điểm trong ngắn hạn.
Chiến lược đầu tư: Duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 25-35% cổ phiếu. Nhà đầu tư đang nắm giữ vị thế tiền mặt lớn có thể xem xét mở các vị thế mua trading khi chỉ số kiểm định lại vùng hỗ trợ 790-800 điểm.
Đối với các vị thế ngắn hạn đang có trong danh mục, nhà đầu tư có thể canh bán ở các vùng giá cao trong các phiên tăng điểm hưng phấn tại các vùng kháng cự 820-825 điểm và 845-860 điểm.