Dòng tiền và triển vọng chứng khoán tháng 7?

Theo VnEconomy

Khép lại tháng 6 với nhiều biến động, VN-Index đóng cửa ở 447,65 điểm tăng 36,01 điểm so với cuối tháng 5, tương đương với 8,75%.

Mức đỉnh kể từ khi thị trường hồi phục xuất hiện vào tháng 6. Ngày 9/6 với đỉnh 512,46 điểm, VN-Index đã tăng 117% kể từ mức đáy thấp nhất là 235,5 điểm vào ngày 24/2/2009.

Ngày 9/6 cũng là ngày cuối cùng của chuỗi tăng điểm nhanh kể từ 1/6. Trong vòng 7 ngày đầu tháng 6, VN-Index đã tăng hơn 100 điểm từ 411,64 điểm lên 512,46, như vậy trung bình một ngày VN-Index tăng tới 14,4 điểm.

Trong ba đợt sóng lên kể từ cuối tháng 2, đợt sóng thứ ba này có thời gian lên điểm ngắn nhất với 7 ngày và 100,82 điểm (trung bình 14,4 điểm/ngày). Hai đợt sóng trước đó có thời gian dài hơn nhiều (21 ngày và 34 ngày) và mức tăng điểm trung bình chỉ là 5,5 và 3,3 điểm/ngày.

Có thể đây là dấu hiệu cho thấy đầu tháng 6 tâm lý phấn khích của nhà đầu tư đã tạo ra sức mua quá đà và cảnh báo cho một sự điều chỉnh.

Khối ngoại có thể sẽ quay lại bán ròng

Về diễn biến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, kể từ 25/6, khối ngoại mua ròng với số lượng khá lớn. Các mã được nhà đầu tư nước ngoài tập trung mua là những blue-chip có tác động đến chỉ số VN-Index như DPM, FPT, HPG, STB, SSI và đặc biệt là cổ phiếu mới lên sàn BVH.

Động thái nâng đỡ thị trường thể hiện khá rõ khi nhà đầu tư nước ngoài giảm mua mạnh các mã kể trên khi thị trường đã lên điểm.

Theo chu kỳ, sau khi hết nhu cầu nâng đỡ NAV, nhà đầu tư nước ngoài giảm mua và tăng bán. Chênh lệch Mua-Bán giảm nhanh trong vài ngày cuối tuần vừa qua và rất có thể nhà đầu tư nước ngoài sẽ bán ròng trong tuần tới.
 

Dòng tiền và triển vọng chứng khoán tháng 7? - Ảnh 1
Chênh lệch mua-bán của nhà đầu tư nước ngoài và VN-Index - Nguồn: HOSE, SSI.
 


Điều gì sẽ xảy ra khi nhà đầu tư nước ngoài dừng mua và luồng tiền của nhà đầu tư trong nước sẽ ra sao?

Đầu năm 2009, khi nhà đầu tư nước ngoài dừng mua ròng cổ phiếu, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm. Thời điểm đó các thông tin vĩ mô khá xấu và gói hỗ trợ kinh tế chưa được công bố nên thị trường lao dốc liên tục cho đến cuối tháng 2.

Vào đầu tháng 4, khi nhà đầu tư nước ngoài chuyển từ mua ròng sang bán ròng, nhà đầu tư trong nước với luồng tiền dồi dào đã là yếu tố quyết định nâng đỡ thị trường.

Thời điểm này, nhà đầu tư tổ chức trong nước vẫn còn khá dè dặt vì VN-Index mới vừa qua vùng đáy và bức tranh kinh tế chưa có dấu hiệu cải thiện. nhà đầu tư tham gia chính ở thời điểm này là các nhóm nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính mạnh.

Tháng 4 chứng kiến tốc độ tăng trưởng tín dụng cao lên trên 4%, cung cấp một phần tài chính cho các nhà đầu tư lớn tham gia thị trường. Không loại trừ khả năng một phần tiền vay hỗ trợ lãi suất được chuyển vào thị trường chứng khoán.

Đầu tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu giảm mua rõ rệt. Yếu tố quyết định đến thị trường sẽ lại là luồng tiền của nhà đầu tư trong nước.

Cuối tuần vừa qua, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại vẫn ở mức cao. Đây có thể coi là mức lãi suất huy động cao nhất kể từ khi các ngân hàng thương mại bắt đầu tăng lãi suất từ cuối tháng 2.

Sự căng thẳng trong việc huy động vốn của các ngân hàng thương mại rất có thể sẽ có ảnh hưởng đến luồng tiền đầu tư vào chứng khoán. Cũng trong thời gian này, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm tra sát sao việc cho vay hỗ trợ bù lãi suất đảm bảo sử dụng đúng mục đích cũng như yêu cầu giám sát chặt chẽ  tín dụng tiêu dùng, chứng khoán, bất động sản.

Điều này rất khác với những gì diễn ra vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 khi luồng tiền cho chứng khoán là khá dễ dàng.

Với ba đợt sóng lên vừa qua, nhiều nhà đầu tư đã thu được lãi lớn, đặc biệt là những người nhanh nhạy trong việc sử dụng đòn bẩy vay vốn ở thời gian đầu.

Trong vòng 3 tháng, việc đạt được một mức lợi nhuận kỳ vọng nhất định có thể sẽ khiến họ dừng lại để chuyển tiền sang các mảng kinh doanh khác như bất động sản hoặc có thể chỉ đơn giản là nghỉ ngơi để chờ một đợt sóng mới. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến một số luồng tiền lớn tham gia thị trường.

Triển vọng tháng 7?

Theo câp nhật giá của ngày 3/7/2009, P/E 2009 của thị trường là 13,5x. Mức P/E này được cho là không quá đắt nhưng cũng không phải là rẻ. Đối với nhà đầu tư nước ngoài là các quỹ đầu tư đa quốc gia thì mức P/E thấp hơn sẽ hấp dẫn họ.

Còn đối với nhà đầu tư nước ngoài là các quỹ chuyên đầu tư mạo hiểm hoặc nhà đầu tư nước ngoài tham gia "lướt sóng" thì họ sẽ vẫn theo sát thị trường. Chỉ có điều luồng tiền của họ sẽ vào và ra rất nhanh cùng với xu hướng ngắn hạn của thị trường chứng khoán.

Nếu không thấy có xu hướng lên, họ sẽ dừng việc mua vào. Đối với một số quỹ khác đang có nhu cầu giải ngân, họ sẽ tiếp tục mua gom ở vùng giá thấp và sẽ không có nhu cầu để đẩy giá lên trong ngắn hạn.

Đối với nhà đầu tư trong nước và cả nước ngoài, kết quả kinh doanh quý 2 được công bố chính thức trong tháng 7 vẫn là những thông tin được trông chờ. Có một số công ty có kết quả kinh doanh tốt nên đã giữ được giá ngay cả khi thị trường giảm sâu.

Những yếu tố tiếp theo có thể tác động tới thị trường trong tháng 7 gồm có thị trường chứng khoán thế giới và cổ phiếu mới lên sàn - lần này là Vietinbank.

Trong những ngày gần đây, diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam và thị trường chứng khoán Mỹ không hoàn toàn cùng chiều. Tối ngày 2/7, thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh thì sáng ngày hôm sau thị trường chứng khoán Việt Nam lại tăng điểm.

Tuy nhiên nếu nhìn kể từ ngày 12/6, thời điểm VN-Index bắt đầu đi xuống, thị trường chứng khoán Việt Nam có xu hướng giảm cùng với S&P500 nhưng với tốc độ nhanh hơn. VN-Index mất 14,5% điểm trong khi S&P 500 chỉ mất 5,1%.

Hiện tại, việc dựa vào tín hiệu của thị trường chứng khoán Mỹ để quyết định mua-bán là khá mạo hiểm khi có một lượng cung khá lớn đang chờ cơ hội có thanh khoản để bán ra.

Trước Vietinbank, BVH và VCB lên sàn cùng với những kỳ vọng lớn của nhà đầu tư. BVH đã thực sự gây được sự chú ý và được tập trung mua để tác động đến VN-Index.

Tuy nhiên nhà đầu tư nước ngoài mới lại là người mua chính của cổ phiếu này. VCB được kỳ vọng rất nhiều trước khi chào sàn nhưng lại gây thất vọng khi đến ngày thứ 3 đã giảm mạnh.

Vietinbank với giá chào sàn dự kiến là khoảng 50.000 đồng/cổ phiếu sẽ tạo áp lực bán rất lớn vào ngày đầu tiên. Ngày cả khi giá Vietinbank giảm còn 40.000 đồng/cổ phiếu thì những người trúng đấu giá vẫn có thể bán ra bởi mức lãi của họ đã là gần 100%. Ở mức giá 50.000 đồng/cổ phiếu, Vietinbank khó có thể mang lại sự hỗ trợ nào cho thị trường.

Đầu tháng 7, thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh về các vùng giá hợp lý để thúc đẩy sức cầu quay lại với cả kỳ vọng ngắn hạn và dài hạn. Vùng 400 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index và sự phân hóa sẽ tiếp tục do tác động của kết quả kinh doanh quý 2.

Những cổ phiếu cần quan tâm là những cổ phiếu thuộc ngành xây dựng và vật liệu xây dựng do dự báo đầu tư xây dựng tiếp tục là trụ cột để kinh tế Việt Nam có hy vọng đạt được kịch bản lạc quan nhất  trong 2009.

Qua phân tích kỹ thuật, chúng tôi cho rằng các ngưỡng hỗ trợ 425 -437 điểm và kháng cự 449-472 sẽ rất quan trọng trong tháng 7, bất cứ một sự bứt phá ra khỏi hai vùng này đều tạo ra sự đảo chiều của xu hướng trong ngắn hạn.

Tháng 7 sẽ tiếp tục với những trồi sụt bất thường và ngưỡng hỗ trợ 425-437 đang phát huy tác dụng ngắn hạn, tuy nhiên chỉ báo dòng tiền MFI đang liên tục sụt giảm cho thấy sức cầu vào thị trường đang bị giảm mạnh, bởi vậy ngưỡng hỗ trợ này chưa được coi là chắc chắn trong giai đoạn hiện tại.  

Chúng tôi cảnh báo nếu vùng hỗ trợ 382-400 điểm bị phá vỡ, khả năng VN-Index rơi xuống mức 352-366 điểm có thể xảy ra. Các nhà đầu tư trung, dài hạn có thể mua dần vào ở các vùng hỗ trợ, tuy nhiên các nhà đầu tư ngắn hạn hoặc “lướt sóng” nên tiếp tục kiên nhẫn đứng ngoài thị trường.

Chúng tôi không ủng hộ cho quan điểm tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá vào thời điểm hiện tại và nên giảm tối đa các công cụ sử dụng đòn bẩy tài chính để phòng ngừa rủi ro.

* Nhóm tác giả hiện đang làm việc tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - SSI.