Đồng USD mạnh: Viễn cảnh u ám cho nhiều quốc gia
Quyết định nâng lãi suất mới đây của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) tạo đà cho làn sóng thoái vốn tại các thị trường mới nổi để quay trở lại nước Mỹ. Trước những đợt tăng lãi suất dự kiến trong năm nay, các quốc gia đang phát triển phải chuẩn bị tinh thần đón nhận nhiều tác động u ám.
Sứ mệnh của Fed là phục vụ người dân Mỹ. Khi kinh tế khó khăn và các công ty không muốn tuyển dụng lao động, ngân hàng này giúp đồng tiền được lưu thông nhiều hơn bằng cách hạ lãi suất. Khi nền kinh tế tốt lên và nảy sinh quan ngại về lạm phát, các nhà hoạch định chính sách sẽ làm nguội tình hình bằng cách tăng lãi suất và thắt chặt tín dụng.
Đồng USD mạnh lên làm tăng sức mua của người tiêu dùng và giới kinh doanh Mỹ vì hàng nhập khẩu sẽ rẻ hơn trong khi chi phí du lịch nước ngoài giảm. Tuy nhiên, đồng USD lại gây phương hại tới các nhà xuất khẩu bởi lẽ hàng hóa của Mỹ sẽ kém sức cạnh tranh ở nước ngoài, dẫn đến hệ quả là lợi nhuận công ty giảm và có nguy cơ tác động xấu tới cổ phiếu.
Ông Alan Ruskin, người phụ trách chiến lược ngoại hối của ngân hàng Deutsche Bank, cho biết những kỳ vọng vào các gói kích thích tài chính dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump “đã tiếp thêm sức mạnh tuyệt đối cho đồng USD” và “đây là sự thay đổi quan trọng trong các động lực chính sách”.
Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản như vậy. Thực tế, do quy mô của nền kinh tế Mỹ, Fed còn là “ngân hàng trung ương” của cả thế giới. USD là đồng tiền được đa số các nước sử dụng làm đồng tiền tiết kiệm và giao dịch. Khi Fed hạ lãi suất, đồng USD trở nên ít hấp dẫn hơn, khuyến khích các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận ở những nơi khác. Trong trường hợp nâng lãi suất, các nhà đầu tư quay sang ôm đồng bạc xanh và bán tháo các đồng tiền khác.
Tại các thị trường mới nổi, đồng USD mạnh có thể gây tác động lên giá dầu và những tài sản được tính bằng USD, tạo áp lực lên những nền kinh tế đang phát triển vốn dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô. Các công ty và chính phủ ở những thị trường mới nổi sẽ gặp khó khăn hơn nữa trong việc trang trải các khoản vay nợ bằng USD.
Riêng đối với Trung Quốc, đồng USD mạnh lên làm trầm trọng thêm tình trạng tẩu tán vốn ra nước ngoài và thắt chặt khả năng thanh khoản, gây rối loạn thị trường sau một năm 2016 khá ổn định. Tháng 12 vừa qua, các thị trường chứng khoán Trung Quốc đã phản ứng hoảng loạn sau khi Fed quyết định nâng lãi suất và phát tín hiệu về một số đợt tăng tiếp theo. Bắc Kinh đã bơm tiền nhằm ngăn chặn khả năng cạn kiệt tín dụng trong khi giá cổ phiếu giảm.
Trong 3 quý năm 2016, để làm chậm lại đà mất giá của đồng nhân dân tệ (NDT) so với đồng USD, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phải tiêu đến 300 tỷ USD tiền dự trữ ngoại tệ. Kể từ tháng 10/2016, đồng NDT đã giảm giá 4,3% so với đồng USD, và đang đứng ở mức thấp kỷ lục... Các đồng tiền của những thị trường mới nổi khác thậm chí còn mất giá thê thảm hơn, đơn cử như đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm giá 15% trong 3 tháng cuối năm.
Lãi suất Mỹ tăng và đồng USD mạnh cũng là thách thức đối với các nền kinh tế đang nổi như Brazil, Nga và Nam Phi, nhất là trong thời điểm giá cả hàng hóa quốc tế ở mức thấp. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS - một tổ chức quốc tế của các ngân hàng trung ương, có vai trò thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngân hàng trung ương và các cơ quan khác để ổn định tiền tệ và tài chính) vẫn duy trì cảnh báo rằng, các nền kinh tế thị trường đang nổi hình thành mối nguy cơ chính đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu bởi nợ bằng đồng USD của họ có thể lên tới hơn 3.500 tỷ trong 8 năm qua.
Hiện hầu hết các nhà kinh tế đều hy vọng, những đợt tăng lãi suất trong năm nay sẽ không gây tác động quá mạnh. Fed đã phát tín hiệu về các kế hoạch, giúp các nhà đầu tư có thời gian chuẩn bị như sẽ nâng lãi suất USD ở tốc độ chậm hơn nếu sự mạnh lên của đồng bạc xanh có dấu hiệu gây phương hại nền kinh tế Mỹ. Mặt khác, nhiều nền kinh tế mới nổi đã tích lũy được kho dự trữ USD lớn hơn, giúp chống chọi với việc đồng nội tệ mất giá.