Đồng Yen Nhật xuống mức thấp nhất trong 33 năm tác động gì tới Việt Nam?

Hoàng Minh

Sự biến động của đồng Yen Nhật (JPY) sẽ tác động cả hai chiều đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt ảnh hưởng không tích cực tới người lao động Việt Nam tại Nhật.

Đồng yen Nhật đang giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Đồng yen Nhật đang giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Chiều ngày 31/10/2023, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình bằng cách đặt ra giới hạn tham chiếu đối với lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm.

Trong lần điều chỉnh trước, BoJ đã đặt 1% là giới hạn cứng cho lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Trong lần thay đổi này, BOJ đã quyết định chuyển giới hạn cứng thành giới hạn tham chiếu, đồng nghĩa rằng lợi suất trái phiếu có thể vượt qua mức trần này.

Tuy nhiên, sự điều chỉnh chính sách trên không thể khiến JPY Nhật  mạnh lên. JPY tiếp tục suy yếu so với USD và duy trì quanh ngưỡng 150 - 151 JPY đổi một USD. Nếu giá JPY trượt tới mức 151,94 JPY đổi một USD, đồng tiền này sẽ rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 33 năm.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng Giám đốc AFA Capital, các nhà đầu từ thường quan tâm tới đồng USD và coi đó như một chỉ số dẫn dắt toàn bộ thị trường. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách sâu sắc hơn về những yếu tố tác động tới thị trường thì chúng ta cần nhìn vào những quốc gia thực sự có hoạt động thương mại đối với Việt Nam.

Ông Tuấn cho rằng, Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia mà nhà đầu tư cần quan tâm vì nó sẽ tác động thực sự đến giá trị của VND. Tỷ giá trung tâm của VND được xác định bởi sức mạnh của 6 đồng tiền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Hiện nay, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 24,23 tỷ USD vào năm 2022, trong khi nhập khẩu từ Nhật Bản đạt 23,57 tỷ USD.

“Chính vì vậy, sự biến động của JPY sẽ tác động cả hai chiều đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam”, ông Tuấn cho biết.

Ngoài ra, chuyên gia cũng lưu ý rằng, Nhật Bản đang nằm trong danh sách những quốc gia đầu tư FDI vào Việt Nam nhiều nhất.

“Trong trường hợp lợi suất hay lãi suất tại Nhật Bản tăng lên, chắc chắn họ sẽ giảm đầu tư ra nước ngoài”, ông nói.

Theo dữ liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2023, Singapore đã đầu tư 3,6 tỷ USD vào Việt Nam, trong khi Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc bám đuổi rất sát nút về FDI, cùng đạt hơn 2,3 tỷ USD.

Chuyên gia cũng nhận định thêm rằng, việc JPY mất giá còn có thể tác động tới các doanh nghiệp xuất khẩu sang nước này, đặc biệt là các công ty gia công phần mềm.

Một yếu tố khác mà ông Tuấn lưu ý đó là dòng kiều hối từ Nhật Bản khi lực lượng lao động của Việt Nam tại đây rất lớn.

“JPY sẽ tác động rất lớn đến thu nhập của lao động  tại thị trường Nhật Bản và quyết định đầu tư. Nếu JPY mạnh thì người lao động sẽ xem xét có nên đầu tư ở Nhật hay nhanh nhanh chóng chuyển về Việt Nam để tránh chịu rủi ro mất giá”, ông Tuấn nói.  

Theo ước tính từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, mỗi năm, lao động làm việc tại nước ngoài chuyển về Việt Nam khoảng 3 đến 4 tỷ USD kiều hối. “Như vậy, nếu JPY mất giá thì lượng tiền mà người lao động chuyển về nước sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, chuuyên gia này cũng cho rằng, JPY yếu đi cũng có thể giúp các doanh nghiệp đi vay bằng đồng tiền này dễ thở hơn một chút.

“Trước đây, khi JPY tăng giá, tôi gặp rất nhiều doanh nghiệp vay JPY khó khăn. Vậy bây giờ liệu có phải cơ hội để họ sớm trả nợ và có lợi nhuận hay không thì chúng ta cần phải xem kỹ báo cáo tài chính và tìm hiểu từng doanh nghiệp một”, ông Tuấn nhấn mạnh.