Nhật Bản công bố kế hoạch về gói hỗ trợ kinh tế mới
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vừa công bố kế hoạch về gói hỗ trợ kinh tế mới của Chính phủ nhằm tìm cách điều hướng nền kinh tế vượt qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt để đạt được tăng trưởng dài hạn như một phần trong kế hoạch phân phối lại của cải ở Nhật Bản bằng cách tăng lương và các biện pháp tương tự khác.
Gói này cũng sẽ tìm cách giải quyết các thách thức về nhân khẩu học và thúc đẩy lĩnh vực chip; được triển khai vào tháng 10/2023 và một ngân sách bổ sung sẽ được hình thành để tài trợ cho gói này.
Gói hỗ trợ gồm các trụ cột: Giảm bớt tác động tiêu cực của lạm phát đối với các hộ gia đình, thúc đẩy tăng lương nhiều hơn, tăng đầu tư, giải quyết các thách thức do dân số giảm sút và đảm bảo an toàn, an ninh cho người dân Nhật Bản.
Tổng số tiền chi cho gói này vẫn chưa được tính toán, nhưng Chính phủ Nhật Bản đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là phải đưa ra báo hiệu về sự kết thúc thời kỳ áp dụng các biện pháp chi tiêu “ở chế độ khủng hoảng” nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 và tác động từ xung đột Nga - Ukraine.
Trong khi lạm phát ở Nhật Bản duy trì ở tốc độ chậm hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu, quốc gia này cũng chứng kiến sự gia tăng lạm phát chủ yếu do giá năng lượng và nguyên liệu thô nhập khẩu cao hơn.
Chính phủ Nhật Bản sẽ duy trì các khoản trợ cấp để giảm chi phí nhiên liệu khi giá năng lượng tăng cao, cộng hưởng với việc đồng Yên yếu hơn đã làm giảm tiêu dùng của hộ gia đình.
Gói này cũng sẽ tìm cách hỗ trợ đào tạo lại kỹ năng cho người lao động và khuyến khích các công ty vừa và nhỏ tăng lương cho nhân viên, trong đó Thủ tướng Kishida đã đặt mục tiêu thúc đẩy phân phối lại tài sản nhiều hơn, mô tả cách tiếp cận của ông là "một hình thức chủ nghĩa tư bản mới".
Sau khi đại dịch COVID-19 bộc lộ những lỗ hổng khi trở nên phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc đối với các vật liệu quan trọng như chất bán dẫn, Nhật Bản đang tìm cách cải tổ ngành công nghiệp chip - từng một thời rất cạnh tranh và bảo vệ an ninh kinh tế của quốc gia.
Thủ tướng Kishida cho biết, theo các biện pháp mới, Chính phủ sẽ đưa ra các bước khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược.
Hiroshige Seko - Tổng Thư ký của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền tại Hạ viện, đã kêu gọi gói hỗ trợ có giá trị từ 15 nghìn tỷ Yên (101 tỷ USD) đến 20 nghìn tỷ Yên.
Ông là người ủng hộ gói kích thích tài chính và nới lỏng tiền tệ một cách táo bạo theo chương trình "Abenomics" do cựu Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng, nhằm tìm cách thúc đẩy nền kinh tế.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã kiên trì với chính sách lãi suất cực thấp của mình, khác biệt với các ngân hàng đồng cấp trên toàn cầu như Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), vốn đang tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát tăng cao.
Sự mất giá gần đây của đồng Yên phản ánh sự khác biệt về chính sách, khiến Nhật Bản phải chứng kiến lạm phát, do chi phí đẩy trong hơn một năm qua.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kazuo Ueda cũng đã nhắc lại hôm thứ Hai rằng việc nới lỏng tiền tệ là cần thiết vì Nhật Bản đang ở thời điểm "quan trọng" trong việc đạt được chu kỳ tăng lương và giá cả hợp lý.
Khi được hỏi về sự cần thiết phải ngăn chặn sự sụt giảm của đồng Yên, Thủ tướng Kishida cho biết sự biến động quá mức là điều không mong muốn và các chuyển động của tiền tệ cần phản ánh các nguyên tắc cơ bản về kinh tế.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ những diễn biến trên thị trường tiền tệ với tinh thần cấp bách cao độ”.
Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki phát biểu trong một cuộc họp báo: “Để ngăn chặn việc nới lỏng kỷ luật tài chính, chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ lưỡng từng mục chính sách để gói chỉ bao gồm những gì thực sự cần thiết”.
Chi phí nhập khẩu năng lượng và nguyên liệu thô tăng cao đã đẩy tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản lên cao, từ đó khiến các công ty Nhật Bản phải tăng lương.
Tính bền vững của việc tăng lương như vậy được coi là chìa khóa nếu Thủ tướng Kishida muốn thực hiện cam kết đạt được sự phân phối lại của cải. Đối với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, điều này cũng rất quan trọng trong việc đạt được mục tiêu lạm phát ổn định.
Một số nhà phê bình cho rằng chi tiêu tài chính nhiều hơn để kích thích nhu cầu sẽ đẩy nhanh lạm phát hơn nữa, và sự suy yếu gần đây của đồng Yên, một sản phẩm phụ của việc nới lỏng tiền tệ làm tăng giá nhập khẩu, là nguyên nhân chủ yếu.
Tỷ lệ lạm phát, được đo bằng giá tiêu dùng cốt lõi, tính đến tháng 8 vẫn ở trên mức mục tiêu 2% của B trong 17 tháng, sau khi leo lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua là 4,2%.