Đồng Yen yếu khiến láng giềng lo ngại
(Tài chính) Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda cho biết, trong năm tới, BoJ sẽ vẫn tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng với việc tăng gấp đôi cơ sở tiền tệ và tăng cường mua trái phiếu chính phủ.
Lo ngại từ “láng giềng gần”
Bắc Kinh và Seoul hiểu sự cần thiết của việc Tokyo đang nỗ lực hồi sinh nền kinh tế và thoát khỏi tình trạng giảm phát dai dẳng, nhưng họ lo ngại gói kích thích tiền tệ và tài chính khổng lồ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe làm suy yếu đồng Yen và đưa xuất khẩu của họ vào thế bất lợi trên thị trường toàn cầu.
Nhật Bản "sẽ xem xét để giữ cho nền kinh tế đang phát triển bằng cách thúc đẩy xuất khẩu thông qua sự mất giá của đồng Yen", Từ Thiệu Sử - người đúng đầu cơ quan hoạch định chính sách kinh tế của Bắc Kinh nói tại cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc tại Seoul. "Đây là một chính sách sẽ ảnh hưởng đến Hàn Quốc và Trung Quốc và do đó cần phải được theo dõi chặt chẽ".
Đồng Yen, rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua vào hôm 30/12 với tỷ giá quy đổi là 105,36 Yen/USD, giảm 26% trong vòng 15 tháng qua. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ (NDT) Trung Quốc và đồng Won của Hàn Quốc đều tăng giá so với đồng USD trong năm nay. Nếu so sánh tỷ giá 3 đồng tiền của các nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu thế giới này thì sẽ thấy, sự sụt giảm của đồng Yen còn rõ nét hơn.
Tỷ giá đồng Won so với đồng Yen là 9,9983 Won/Yen – mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua và 100 Yen đổi được 5,7490 nhân dân tệ. Như vậy, trong vòng 15 tháng qua, đồng Yen đã mất giá 30% so với đồng nhân dân tệ.
Yuna Park, nhà phân tích tiền tệ và trái phiếu tại Công ty chứng khoán Dongbu ở Seoul cho rằng “sự suy yếu của đồng Yen so với đồng Won của Hàn Quốc sẽ không thay đổi ngay cả khi các nhà chức trách đang cố gắng làm chậm lại tốc độ đà tăng giá của đồng Won”.
Trong quá khứ, các nhà chức trách Hàn Quốc đã mua USD khi họ muốn giữ giá đồng Won so với giá đồng Yen thông qua đồng USD bởi vì giao dịch giữa cặp đồng Yen và đồng Won là gần như không tồn tại.
Chính sách kinh tế của ông Abe được gọi là "Abenomics" mà một phần trong chính sách này đó là việc các Ngân hàng Nhật Bản đang gia tăng lượng tiền cơ sở hoặc tiền mặt và tiền gửi tại ngân hàng trung ương.
Trong ba cường quốc Bắc Á , các tên tuổi lớn – những công ty hay tập đoàn rất nhạy cảm với tỷ giá hối đoái bao gồm Samsung Electronics, Toyota Motor, Hyundai Motor và Huawei Technologies.
Sự e ngại của cả Trung Quốc và Hàn Quốc còn thể hiện ở chỗ cả Bắc Kinh và Seoul đều có hệ thống ngân hàng yếu. Trong khi các ngân hàng Hàn Quốc đang phải vật lộn với tỷ lệ đòn bẩy cao kỷ lục, do tập trung quá nhiều vào các khoản vay cho hộ gia đình thì hệ thống ngân hàng Trung Quốc lại đặc biệt dễ tổn thương do đầu tư quá nhiều vào bong bóng nhà đất. Do vậy, theo các chuyên gia nhận định, quá trình chuyển từ đồng Yen mạnh sang đồng Yen yếu sẽ là một cú sốc lớn đối với các nước láng giềng cũng như đối thủ cạnh tranh của Nhật Bản.
Các hướng đi của BoJ
BoJ sẽ phải cân nhắc những giải pháp sẽ thực hiện trong năm 2014, khi muốn đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 2% vào đầu tài khóa 2015, trong lúc việc tăng thuế tiêu dùng từ tháng 4/2014 có thể gây ra những tác động bất lợi.
Một số nhà kinh tế dự đoán, BoJ sẽ phải nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa nếu vẫn duy trì mục tiêu lạm phát như đã cam kết hồi tháng Tư. Trong khi đó, một số nhà kinh tế khác lại cho rằng, BoJ sẽ khó có thể tiếp tục nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ trong thời điểm giá cả vẫn đang tăng và nếu vẫn muốn đạt mục tiêu lạm phát trong hai năm thì BoJ sẽ phải tiến hành một loạt các biện pháp mạnh nữa, nhưng cách này sẽ làm khó cho BoJ khi muốn dừng chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.
Sau cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm 2013 hồi cuối tháng 11, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda cho biết, trong năm tới, BoJ sẽ vẫn tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng với việc tăng gấp đôi cơ sở tiền tệ và tăng cường mua trái phiếu chính phủ để đạt mục tiêu đã đề ra.
Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng phải nới lỏng chính sách hơn nữa, khi nói rằng sẽ có những điều chỉnh cần thiết dựa trên những đánh giá về những rủi ro đối với nền kinh tế như tác động tiêu cực của của việc tăng thuế tiêu dùng đối với tăng trưởng.
Vào cuối tháng 11, bà Sayuri Shirai, một thành viên Hội đồng Chính sách BoJ, nói rằng BoJ không nên do dự trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa nếu có rủi ro đối với mục tiêu lạm phát 1,9% vào nửa sau của giai đoạn ba năm, tính đến tài khóa 2015. Trong khi đó, một số nhà hoạch định chính sách như Takehiro Sato và Takahide Kiuchi hoài nghi về việc đạt mục tiêu đã cam kết, kêu gọi việc xem xét lại quan điểm trong vấn đề lạm phát.
Tuy nhiên, ông Sato có quan điểm thận trọng trong vấn đề nới lỏng chính sách tiền tệ, khi cân nhắc tới những rủi ro như sự xáo trộn trên thị trường tài chính toàn cầu và rằng khi những biện pháp có thể thực hiện đang được áp dụng thì việc tiến hành các biện pháp bổ sung có thể là phản tác dụng.
Theo biên bản cuộc họp ngày 20 đến ngày 21/11 của BoJ được công bố ngày 26/12, giá tiêu dùng lõi tại Nhật Bản (không bao gồm thực phẩm tươi sống) bắt đầu tăng từ giữa năm nay và trong tháng 10 đã tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ đồng Yen yếu, giá năng lượng cao và mức giảm giá hàng hóa lâu bền thấp hơn, nhưng đà tăng có thể sẽ chậm lại, do tác động từ những yếu tố này sẽ đuối dần.