Đột phá mới trong tư duy để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

TS. PHẠM THỊ VÂN ANH

Trong nền kinh tế, doanh nghiệp là một bộ phận chủ yếu tạo ra GDP, có tính quyết định trong việc giữ vững nhịp độ tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức cao và tác động tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như biến đổi các vấn đề đời sống xã hội. Để có nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao thì quy mô GDP của năm sau phải cao hơn năm trước. Một trong những yếu tố chính làm tăng quy mô GDP phải kể đến là tăng quy mô doanh thu và sự phát triển của doanh nghiệp. Xác định rõ vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Từ những thách thức đặt ra với doanh nghiệp

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 15 năm qua cả nước có khoảng 941.000 doanh nghiệp (DN) được đăng ký thành lập. Nhưng đến cuối 2015, chỉ còn lại khoảng 513.000 DN còn hoạt động (chiếm 54,5%), 428.000 DN ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lý do khác nhau (chiếm 45,5%)…

Với trên 500 nghìn DN hoạt động nhưng trong số đó chiếm đến 97% là DN vừa và nhỏ có số lượng lao động, vốn, giá trị lợi nhuận thu được rất nhỏ. Đa số DN này không có chiến lược đầu tư bài bản, công nghệ cũng là con số không, thiếu vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Trong 5 năm qua, số lượng DN giải thể và cả thành lập mới đều rất lớn. Mỗi năm, số lượng DN bổ sung thêm khoảng 17.000 DN và có khoảng 10.000 DN giải thể.

Chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2016 có 34.721 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 248.244 tỷ đồng, bình quân khoảng 7,1 tỷ đồng/DN; Có 11.311 DN đã hoạt động trở lại sau một thời gian tạm ngừng do gặp khó khăn. Tuy nhiên, cũng trong 4 tháng đầu năm có 9.450 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước; Có 15.685 DN tạm ngừng hoạt động (không đăng ký hoặc chờ giải thể), tăng 27,4%, trong đó trên 92% là các DN có quy mô nhỏ (vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng); Có 3.759 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Dẫu biết rằng, việc DN ngừng hoạt động hay giải thể là lẽ tự nhiên trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt, song điều đáng nói là khoảng một nửa số DN ngừng hoạt động hoặc giải thể trong những năm qua, nhất là trong 3 năm gần đây số DN giải thể có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, số DN còn đang hoạt động đến cuối năm 2015, chỉ 42% số đó có lãi. Điều này chứng tỏ hiệu quả kinh doanh DN còn thấp và môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn. Đây là điều không bình thường trong một nền kinh tế thị trường còn non trẻ, hội nhập và đang có nhiều cơ hội kinh doanh như ở Việt Nam.

Ngoài ra, VCCI cũng cho rằng, hiện các chi phí vốn của DN còn lớn. DN Việt Nam đang phải vay ngân hàng với mức lãi suất bình quân 8,5%/năm, trong khi lạm phát 1,84% năm 2014 và 0,6% năm 2015. Như vậy, lãi suất thực mà DN đang phải chịu đựng cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như: Philippines là 2,2%/năm, Malaysia là 2,1%/năm. Bên cạnh đó, DN cũng đang bị “bao vây” bởi rất nhiều giấy phép con. Thống kê từ VCCI cho thấy, số lượng giấy phép con đã lên tới con số 7.000, trong số đó có đến một nửa là không còn hợp lý, tạo gánh nặng cho DN. Ngoài những điều kiện kinh doanh được quy định bằng những thông tư trước đây, thì một số bộ, ngành vẫn “phớt lờ” coi như không có Luật DN, Luật Đầu tư và tiếp tục ban hành những giấy phép con. Đây chính là một trong những điểm khiến môi trường kinh doanh Việt Nam trở nên không những chưa thuận lợi, kém thân thiện mà còn thiếu an toàn. Đồng thuận với thống kê của VCCI về thực trạng giấy phép con, Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khi rà soát lại hệ thống giấy phép con cho thấy, có cả “một rừng” văn bản pháp lý với DN. Thực tế hiện nay là một số thông tư lại có hiệu lực thực tế cao hơn cả nghị định, một văn bản của lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện lại có giá trị cao hơn thông tư. Chủ trương là giảm số lượng giấy phép con, số điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện cho DN nhưng thực tế, việc các cấp ban hành ra các loại quy hoạch, bản thân cũng chính là một dạng điều kiện. Nếu còn nhiều giấy phép, còn tình trạng xin - cho thì chi phí không chính thức còn không ngừng tăng lên.

Trước những khó khăn đặt ra trên, DN Việt Nam đang cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển mạnh mẽ, đó là tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, một nền kinh tế thị trường dần hoàn thiện và đảm bảo quyền tự do kinh doanh như một trong những quyền cơ bản của người dân. Cộng đồng DN Việt Nam với 97% là DN nhỏ và vừa, tư nhân thì cần hướng sự quan tâm phát triển đối tượng này. Thực tế, không ai hiểu những hạn chế trong môi trường kinh doanh bằng DN. Đó là rào cản của thể chế, nền tảng kinh tế thị trường chưa hoàn thiện, vấn đề tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai, tài nguyên khoáng sản được phân bổ chưa theo cơ chế thị trường. Do vậy, để tháo gỡ khó khăn này, mong muốn của DN từ Chính phủ và các cơ quan hữu quan là: Cải cách hành chính và tạo thuận lợi cho DN; Tạo môi trường thuận lợi cho DN khởi nghiệp và DN đổi mới sáng tạo; Đảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng, tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của các DN trong đó có DN tư nhân; Giảm chi phí kinh doanh cho DN; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN.

Đến đột phá mới trong tư duy

Thực tế trong những năm qua, những tồn tại trong môi trường kinh doanh mà DN phải đối mặt đó là nạn nhũng nhiễu, hành DN; Cơ chế xin - cho phổ biến đến mức trở thành bình thường; Nạn tiêu cực bằng cách lót tay ở một bộ phận cán bộ công chức còn tồn tại. Chính vì vậy, cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ, thay đổi cả tư duy lẫn cách hành xử. Với quyết tâm cao, qua Nghị quyết mới “cởi trói” cho DN của Chính phủ, niềm hy vọng đã được thắp lên.

Ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về việc hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Trong đó, mục tiêu đến năm 2020, xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, có khoảng 30 - 35% DN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo. Nghị quyết được đánh giá là văn bản thể hiện sự đột phá về hỗ trợ và phát triển DN nhằm khắc phục những thách thức, rào cản cơ bản của DN Việt Nam đang gặp phải.

Con số không nói lên tất cả, nhưng mục tiêu phấn đấu đến 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu DN đòi hỏi phải có nỗ lực rất lớn. Đáng chú ý, mục tiêu đặt ra là khu vực tư nhân đóng góp khoảng gần 50% GDP… Muốn làm được điều này, việc tháo gỡ rào cản thủ tục hành chính, tiếp cận vốn vay ngân hàng, loại bỏ tiêu cực trong cách hành xử xấu của cán bộ công quyền đối với DN, doanh nhân... là điều hết sức cần thiết.

Việc Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các DN, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai…và đầu tư kinh doanh được xem là điều kiện tiên quyết để tạo dựng niềm tin trong khối DN tư nhân nói riêng và cả xã hội nói chung. Thực tế, bất kỳ quốc gia nào cũng cần những tập đoàn lớn, những DN mạnh, nhưng sự lớn mạnh đó phải đến từ những ý tưởng đột phá, sáng tạo, đến từ chiến lược kinh doanh đúng đắn được tạo dựng trong một môi trường kinh doanh thông thoáng và minh bạch, chứ không phải từ “cơ chế ưu ái” và sự độc quyền nhà nước. Với tinh thần mới, hy vọng sẽ hết những DN nhà nước hồn nhiên đầu tư kinh doanh bằng dòng tiền ngân sách. Được thì dành phần cho lợi ích cục bộ, thua thì lại “xin” ngân sách bù vào. Cách làm đó đã triệt tiêu mọi nỗ lực, trách nhiệm cũng như đẩy các thành phần kinh tế khác vào chỗ khó khăn.

Trong Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ có điểm nhấn đáng chú ý là “không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật”. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật thì đã rõ, vì đó là đòi hỏi tất yếu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền, nhưng “không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự” phải là một cam kết chính trị được bảo đảm thực hiện trong thực tiễn. Phải chấm dứt tình trạng lạm dụng quyền lực công, lợi dụng những tranh chấp, xung đột phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế, dân sự để hình sự hóa, trù úm, hù dọa DN nhằm thực hiện động cơ xấu, trục lợi

Đồng thời với đó, Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN. Ở đây có vấn đề thanh tra đột xuất, chồng chéo từng khiến DN hoang mang, luôn trong thế lúng túng tìm cách đối phó. Vì thế, việc Nghị quyết 35/NQ-CP nhấn mạnh không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật là điều cần nghiêm túc thực hiện.

Quyết tâm của Chính phủ về cải cách và nâng cao chất lượng các quy định về điều kiện kinh doanh, bắt đầu từ việc cần làm ngay là tập hợp rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước ở các bộ, ngành và cơ quan liên quan, thực hiện công bố công khai để DN hiểu và thực hiện. Đơn giản hóa, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh. Kiên quyết bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, nghiêm cấm ban hành bất cứ điều kiện kinh doanh mới, nhất là giấy phép con, trái quy định pháp luật, ban hành không đúng thẩm quyền gây khó khăn cho DN trong thực thi, bảo đảm sự cần thiết, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước. Đồng thời, với đổi mới tư duy, phương pháp và công cụ quản lý Nhà nước về điều kiện kinh doanh theo cơ chế thị trường, áp dụng cấp phép tự động và thực hiện hậu kiểm; rà soát, loại bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh ra khỏi các văn bản quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, các sản phẩm và chất lượng sản phẩm để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư DN. Trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần hướng tới mục tiêu hỗ trợ, hướng dẫn DN và kết quả đánh giá hiệu lực quản lý, không trùng lắp trong việc thanh tra, nhằm hướng đến minh bạch hơn, chống tiêu cực và tham nhũng để tạo điều kiện cho DN.

Chủ trương cải cách thủ tục hành chính, nổi lên là thực hiện “một cửa, một dấu” đã được đặt ra từ khá lâu, nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận việc thực hiện vẫn chưa được bao nhiêu, “rừng” văn bản thủ tục vẫn tồn tại. Khi Nghị quyết đã rất rõ ràng, rất mạnh mẽ thì vấn đề còn lại và cực kỳ hệ trọng là triển khai thực hiện thế nào trong thực tiễn. Đã có biết bao chỉ thị, thông tư... bị lãng quên vì người ta không chịu thực hiện, do thiếu cơ chế giám sát, cũng như những chế tài xử lý nhưng đơn vị, cá nhân không thực hiện. Chính vì vậy, lần này Nghị quyết của Chính phủ khẳng định rất rõ ràng: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm với cộng đồng DN, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trên địa bàn; thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho DN. Nếu như trước đây DN phải tìm cách đến được với quan chức thì nay trách nhiệm của các quan chức địa phương, kể cả Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố phải chủ động gặp DN, lắng nghe và cởi bỏ khó khăn, vướng mắc cho họ.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho DN phát triển, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, Chính phủ giao cho các cơ quan hữu quan phối hợp nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ các quy định hiện hành về chính sách cấp phép xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi, giảm chi phí DN theo đúng các cam kết quốc tế. Đồng thời, xây dựng Đề án tổ chức lại thị trường trong nước và thị trường biên mậu, đẩy mạnh Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trình Chính phủ trong quý III/2016; Xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến 2035, chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ, thúc đẩy sản xuất và khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam, trình Chính phủ trong quý I/2017; Tăng cường cung cấp, phổ biến thông tin và các hướng dẫn thực thi cam kết trong khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế (ASEAN, WTO, APEC, ASEM...) và các hiệp định kinh tế - thương mại, đặc biệt là các hiệp định - thương mại tự do thế hệ mới để nâng cao năng lực hội nhập cho doanh nghiệp, tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu và đầu tư, đặc biệt là về AEC, TPP, RCEP…; Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp, tạo mặt bằng cho DN nhỏ và vừa, DN ở vùng nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công...

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, “Chúng ta sẽ không lùi bước trước khó khăn, thách thức. Chính phủ sẽ quyết tâm tháo gỡ khó khăn, rào cản phát triển, từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, nâng cao kỷ cương phép nước, bảo đảm tăng nguồn thu cho ngân sách”. Thủ tướng cũng lưu ý các thành viên Chính phủ cần nâng cao tinh thần kỷ cương, kỷ luật, chống bệnh hình thức, không để xảy ra tình trạng nói mà không làm.

Tài liệu tham khảo:

1. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Kỷ yếu Diễn đàn kinh tế Mùa Thu năm 2015;

2. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam 2016: Báo cáo về thực trạng và kiến nghị với Thủ tướng và các bộ ngành có liên quan;

3. Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.