Đột phá phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
Năm 2023, điểm sáng của ngành Giao thông vận tải (GTVT) với nhiều dự án mới được phê duyệt, khởi công mới, cũng như hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm. Góp phần thực hiện hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong năm 2024, Bộ GTVT tiếp tục ưu tiên nguồn lực để triển khai các dự án giao thông trọng điểm…
“Vượt nắng, thắng mưa” hoàn thành 20 dự án
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, năm 2023 là năm ngành GTVT có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với việc khởi công 26 dự án. Trong đó rút ngắn thời gian khởi công 6 dự án quan trọng quốc gia một năm so với quy trình thủ tục thông thường. Cùng đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp kinh tế tiếp tục đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đề ra. Bộ GTVT là một trong các bộ trình sớm nhất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5/5 quy hoạch ngành quốc gia.
Theo đó, chỉ trong thời gian ngắn, từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Bộ GTVT đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một cách linh hoạt, sáng tạo hoàn thành khối lượng lớn công việc trong công tác chuẩn bị đầu tư để tiến hành khởi công các tuyến đường vành đai vùng thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tuyến đường bộ cao tốc kết nối khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và ÐBSCL.
Qua đó, đã rút ngắn thời gian 1 năm so với quy trình thủ tục thông thường. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Bộ GTVT tích cực, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là những vấn đề nóng, phức tạp liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương như giải phóng mặt bằng, nguồn cung cấp vật liệu, phân cấp, ủy quyền…
Trong năm 2023, Bộ GTVT đã khởi công 26 dự án và hoàn thành 20 dự án (17 dự án đường bộ, 1 dự án hàng hải và 2 dự án đường thủy). Ðặc biệt, có 9 dự án thành phần đường bộ cao tốc hoàn thành với chiều dài 475km, nâng tổng số đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên 1.892km. Tại vùng ÐBSCL, có các dự án trọng điểm đã hoàn thành như dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn từ TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng; dự án tuyến tránh quốc lộ 1A đoạn qua TP Cà Mau; dự án mở rộng một số cầu trên quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Tiền Giang; cầu Mỹ Thuận 2; dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1; dự án đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào Sông Hậu giai đoạn 2; dự án đầu tư xây dựng nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2.
Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao số vốn đầu tư công năm 2023 lớn nhất từ trước tới nay với hơn 94.000 tỉ đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2022. Cùng số vốn sự nghiệp kinh tế hơn 19.900 tỉ đồng phục vụ công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kết quả giải ngân của Bộ đến hết niên độ dự kiến đạt trên 95% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…
Ưu tiên dự án động lực
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, trong năm 2024, Bộ GTVT tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án và hoàn thành thủ tục khởi công 19 dự án. Phấn đấu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia như TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ðồng thời, phối hợp, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ để khởi công 11 dự án đường bộ cao tốc do địa phương được giao là cơ quan chủ quản.
Rà soát, ưu tiên bố trí vốn các dự án quan trọng quốc gia, các dự án quan trọng, động lực. Phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác 23 dự án. Bộ nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút hiệu quả nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; phương án huy động hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt. Tập trung xây dựng đề án nghiên cứu định hướng giải pháp xây dựng đường cao tốc tại ÐBSCL…
Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu hỗ trợ cho địa phương cũng như ÐBSCL triển khai các công trình giao thông mang tính kết nối vùng. Về cung ứng nguyên liệu cát cho cao tốc, hiện nay, lượng cát của ÐBSCL chỉ còn rất hạn chế, đề nghị Bộ GTVT sớm chỉ đạo thay thế bằng cát biển để hạn chế việc khai thác cát sông…
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Trần Quốc Phương, Bộ GTVT tiếp tục xây dựng chính sách thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng trong đó chú trọng phương thức đầu tư đối tác công tư, huy động nguồn lực xã hội đầu tư các dự án cảng hàng không, phương án đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, cơ quan địa phương liên quan tháo gỡ khó khăn vướng mắc đẩy nhanh các dự án trọng điểm kết nối liên vùng. Bên cạnh đó, rà soát ưu tiên đầu tư dự án theo quy mô phù hợp, chú trọng đầu tư mở rộng cao tốc theo quy mô hoàn chỉnh, hoàn thiện hệ thống trạm dừng nghỉ để phục vụ doanh nghiệp người dân…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GTVT đẩy mạnh hơn nữa, lấy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ làm động lực, nguồn lực, đóng vai trò dẫn dắt trong khảo sát, thiết kế, tổ chức thi công, kiểm tra, giám sát, bảo hành, bảo trì các công trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng, giảm giá thành, chống tiêu cực, tham nhũng. Từ đó, góp phần phát triển nhanh, bền vững các công trình, dự án giao thông trọng điểm. Đồng thời, nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả theo tinh thần vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải tháo gỡ, khó khăn ở đâu thì ở đó phải giải quyết.
Với quan điểm ưu tiên nguồn lực để triển khai các dự án trọng điểm, Bộ GTVT kiểm soát tiến độ, nâng cao chất lượng, phòng chống tham nhũng tiêu cực; sớm trình phê duyệt, khởi công một số dự án PPP. Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả cùng các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trên địa bàn...