Dự án Luật sửa 7 Luật lĩnh vực tài chính: Luật hoá nhiều vấn đề đã “chín”, đã rõ

Trần Huyền (thực hiện)

Trao đổi về dự án Luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính với Tạp chí Tài chính bên hàng lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng, dự án luật này đã luật hoá những vấn đề đã được thực tiễn chứng minh là đúng.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh.

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại dự án Luật sửa 7 Luật lĩnh vực tài chính, nhiều nội dung sửa đổi trong Luật Ngân sách nhà nước được Chính phủ đề xuất nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn. Đại biểu đánh giá như thế nào về các nội dung được sửa đổi lần này?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Có thể nói, dự án Luật sửa 7 luật cũng như các dự án luật trình Quốc hội lần này có nhiều quy định nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế. Ba đột phá chiến lược hiện nay thì đột phá về thể chế chúng ta đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ nhưng nó vẫn là một "điểm nghẽn của điểm nghẽn". Do đó, lần này chúng ta đã tăng cường việc sử dụng một luật để sửa nhiều luật. Đây đều là những luật rất cần thiết cho quốc gia.

Đặc biệt, việc thực hiện quan điểm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” cũng được thấy rõ trong nội dung sửa Luật Ngân sách nhà nước.

Dự thảo Luật đã đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn, hỗ trợ các địa phương khác. Dự thảo luật cũng quy định về chi ngân sách nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ từ cả nguồn chi đầu tư và thường xuyên...

Có thể thấy, dự thảo đã luật hóa những vấn đề đã được thực tiễn chứng minh là đúng. Trên thực tế, Quốc hội đã ban hành khoảng hơn 10 nghị quyết về thí điểm chính sách đặc thù cho một số địa phương, trong đó có việc dùng ngân sách của địa phương để hỗ trợ những các dự án liên vùng. Từ thực tiễn áp dụng tại TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội đều cho thấy rằng là cần nhân rộng trong cả nước. Trên cơ sở đó, chúng ta đã kịp thời hoàn thiện luôn vào dự án Luật lần này để phù hợp với thực tiễn.

Hay như vấn đề chi thường xuyên và chi đầu tư, trước đây vấn đề này cũng được tranh luận trong nghị trường Quốc hội. Qua thực tiễn chứng minh rằng cần phải tháo điểm nghẽn này để giúp cho các đơn vị, các địa phương chủ động trong thực hiện các nhiệm vụ. Nội dung này cũng được làm rõ tại Nghị định số 138/2024/NĐ-CP của Chính phủ vừa qua và được Luật hoá trong Luật Ngân sách nhà nước lần này. Việc sửa đổi lần này sẽ giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động sử dụng sử dụng chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ, dự án.

Phóng viên: Trong nội dung sửa đổi của Luật Chứng khoán, theo đại biểu, quy định cho phép nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu riêng lẻ có phù hợp?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Việc cho phép nhà đầu tư cá nhân được mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là hợp lý, phù hợp với thị trường. Bởi thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đã 24 năm rồi, trình độ, kinh nghiệm của các nhà đầu tư Việt Nam cũng đã trải qua nhiều sóng gió, thời kỳ đỉnh cao là từ năm 2000 đến năm 2007 sau đó lại suy giảm rồi lại tăng lên.

Chúng ta phải nhìn nhận rằng thị trường chứng khoán Việt Nam là một kênh tài trợ vốn, trên thế giới người ta gọi là “bà đỡ”, đảm bảo nguồn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp, còn ngân hàng thương mại là vốn ngắn hạn.

Do đó, việc sửa đổi Luật Chứng khoán lần này cũng tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững hay nói cách là thăng hạng. Đây cũng sẽ là cơ sở cho việc ban hành những nghị quyết sau này về Trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh hay Trung tâm tài chính quốc tế ở TP. Đà Nẵng, tạo điều kiện thích ứng với hoạt động chứng khoán trên thế giới.

Phóng viên: Dự án Luật sửa 7 Luật có sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế về phân cấp thêm cho Chi cục trưởng và Cục Thuế doanh nghiệp lớn được quyết định về hoàn thuế. Đại biểu đánh giá như thế nào quy định này?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Chúng ta thấy rằng, hiện nay công tác hoàn thuế của dù có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn chậm, trong khi doanh nghiệp rất cần nguồn vốn. Khi hoàn thuế nhanh thì doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để hoạt động sản xuất, kinh doanh, tức giúp tăng thêm một năng lượng tích cực cho doanh nghiệp.

Hiện nay, công tác rà soát rất thận trọng, quy trình thủ tục mất nhiều thời gian trong việc hoàn thuế. Theo Luật Quản lý thuế hiện hành, chỉ có Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền xem xét, quyết định hoàn thuế. Nhưng thực tế, chúng ta lại thực hiện việc thu thuế, xử lý hồ sơ thuế không chỉ ở Cục Thuế mà ở cả các chi cục Thuế. Thực hiện hoàn thuế như quy định hiện nay thì quy trình, thủ tục và phối hợp giữa Cục Thuế với Chi cục Thuế trong xử lý hoàn thuế có thể mất nhiều thời gian hơn.

Do đó, việc sửa đổi Luật Quản lý thuế theo hướng cho phép các chi cục thuế và Chi cục trưởng Chi cục thuế có thẩm quyền xem xét, hoàn thuế đối với những hồ sơ thuế mà chính mình được giao quản lý, tức là tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác này là rất hợp lý. Quy định này sẽ phát huy tính năng động, trách nhiệm của cấp quản lý thuế trực tiếp người nộp thuế, đồng thời, rút ngắn thời gian xem xét hoàn thuế. Cùng với đó, chúng ta cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát trong triển khai công tác này.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!