Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ để tăng hiệu quả thực thi

Trần Huyền

Thảo luận về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật sửa 7 Luật trong lĩnh vực tài chính, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc bày tỏ quan điểm cần tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong nhiều nội dung để phát huy tính chủ động, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, tăng hiệu quả thực thi.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận Tổ của Quốc hội chiều 29/10.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận Tổ của Quốc hội chiều 29/10.

Phân cấp, giao quyền miễn, giảm tiền chậm nộp thuế

Thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (Luật sửa 7 Luật) chiều 29/10, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã chuẩn bị kỹ lưỡng các dự án Luật này. 

Theo các đại biểu, các dự án Luật này rất quan trọng, nhiều chính sách được đưa ra sửa đổi là những nội dung đang gặp khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Do đó, các dự án Luật này rất cần thiết, nếu được thông qua sẽ giải quyết được khó khăn ách tắc hiện nay.

Thảo luận về dự án Luật sửa 7 Luật, đại biểu Lý Tiết Hạnh - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng, trước sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, cũng như việc thời gian qua Quốc hội đã bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhiều Luật có liên quan, thì các văn bản pháp luật về tài chính cũng cần được rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung.

Góp ý vào nội dung sửa đổi Luật Quản lý thuế trong dự án Luật sửa 7 Luật, đại biểu Lý Tiết Hạnh cho biết, hiện theo các quy định hiện hành thì có một số nội dung liên quan đến miễn, giảm, xử lý chậm nộp thuế… được phân cấp, giao thẩm quyền xử lý cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ. Đối với cấp tỉnh thì Chủ tịch UBND tỉnh phải báo cáo tình hình kết quả cho Hội đồng nhân dân cùng cấp vào kỳ họp đầu năm. Bộ trưởng Bộ Tài chính tổng hợp tình hình để Chính phủ báo cáo Quốc hội khi quyết toán ngân sách nhà nước.

Cho rằng việc xử lý nộp chậm cần được xử lý kịp thời, dứt điểm, nếu do thủ tục, quy định mà làm kéo dài thời gian thì mức phạt sẽ tăng, Đại biểu kiến nghị cần giao Chính phủ quy định cụ thể về phân cấp, giao quyền miễn, giảm thuế, xử lý phạt chậm nộp thuế… Quy định này sẽ chủ động và phù hợp với thực tiễn hơn.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện Luật Quản lý thuế chưa có nội dung này, có thể chờ đến lần sửa tổng thể, song nếu sửa được luôn cũng rất phù hợp. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, việc phân quyền cho Chính phủ để giải quyết về việc miễn, giảm, xử lý tiền phạt chậm nộp sẽ giải quyết kịp thời hơn quyền lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp. Nhiều trường hợp việc chậm nộp do nguyên nhân khách quan, do doanh nghiệp phá sản, hoặc từ phía cơ quan quản lý… thì việc giao Chính phủ xử lý vấn đề này sẽ kịp thời đảm bảo quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Cá thể hoá trách nhiệm khi triển khai dự án đầu tư

Liên quan đến Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho rằng, cần tập trung tháo gỡ, giải quyết được tình trạng "có tiền mà không tiêu được" khi đến nay tỷ lệ giải ngân mới đạt 45%, nhiều công trình cần triển khai nhưng cũng chưa làm được. Do đó, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này là cấp thiết để giải quyết các ách tắc hiện nay.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, đầu tư công đưa vào trung hạn nhưng trong điều hành ngân sách hàng năm, có những cái khoản tăng thêm ví dụ như: khoản tiết kiệm chi, vượt thu, viện trợ, huy động đóng góp... Do các khoản phát sinh như vậy nên để Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở cấp tỉnh, cấp huyện hay ở Trung ương là Chính phủ sẽ quyết định để đầu tư vào những dự án cần thiết. Điều này thể hiện sự phân cấp toàn diện. Khi đã đầu tư vào các dự án này thì phải thực hiện theo đúng trình tự thủ tục đầu tư. 

Luật Ngân sách nhà nước quy định nguồn vượt thu ngân sách thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ở cấp tỉnh là thường trực HĐND tỉnh. Nguồn tiết kiệm chi thường xuyên cũng vậy, còn nguồn dự phòng ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác, còn dư mới đưa vào đầu tư và khi triển khai dự án đầu tư thì vẫn đảm bảo quy trình thực hiện dự án. 

Về danh mục đầu tư công, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho rằng, Quốc hội và Chính phủ nên quyết định cơ cấu danh mục, còn lại giao lại cho địa phương phân bổ chi tiết từng dự án trong danh mục. Chính phủ chỉ quy định những dự án do các bộ ngành làm chủ đầu tư, hoặc các dự án liên tỉnh. Quốc hội quy định những dự án quan trọng quốc gia. Như vậy, sẽ phân cấp một cách rõ ràng, cá thể hoá trách nhiệm, hiệu quả cao hơn.

Trao đổi tại Tổ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh, thể chế là 1 trong 3 đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, hoàn thiện thể chế có vai trò rất quan trọng nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để khai thác nguồn lực một cách hiệu quả, tạo tiền đề đưa Đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc theo định hướng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Cho rằng việc ban hành Luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính cũng như Luật Đầu tư công (sửa đổi) là rất cấp bách, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc bày tỏ mong muốn các đại biểu ủng hộ thông qua các dự án Luật theo quy trình tại một kỳ họp để các luật sớm có hiệu lực. Từ đó, để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, giải phóng và huy động tối đa các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà bứt phá để chúng ta hoàn thành các mục tiêu của giai đoạn 5 năm đã đề ra.