Dự báo CPI 6 tháng cuối năm 2016
Sáng 7/7/2016, tại Hà Nội, Viện Kinh tế - Tài Chính, Học viện Tài chính đã tổ chức Hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2016”. Tại buổi Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhiều nhận định khác nhau về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng cuối năm 2016.
Tham luận của Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính tại Hội thảo nêu rõ, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2016 diễn ra trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, phức tạp. Kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2016 diễn ra với nhiều bất ổn và khó lường: Tăng trưởng kinh tế thế giới có dấu hiệu chậm lại; thị trường tài chính – tiền tệ toàn cầu có nhiều bất ổn khiến cho luồng vốn đầu tư có sự dịch chuyển mạnh mẽ; tình hình an ninh, chính trị ở nhiều khu vực bị đe dọa bởi khủng bố, sự tranh chấp, “trừng phạt” nhau giữa các quốc gia... làm cho các nhà đầu tư không an tâm; nhu cầu và giá nguyên, nhiên, vật liệu cơ bản có xu hướng hồi phục nhưng chưa vững chắc... Ở trong nước, các khó khăn, bất cập chưa được giải quyết gây áp lực lớn lên thị trường; tình trạng thiên tai khắc nghiệt, dịch bệnh, thảm họa môi trường gây tác động xấu trên diện rộng
Trong bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng và chỉ đạo các Bộ, ngành, các cấp triển khai thực hiện một cách quyết liệt đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến tích cực trong ổn định kinh tế đất nước: GDP 6 tháng đầu năm 2016 ước tính tăng 5,52% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó quý I tăng 5,48%; quý II tăng 5,55%
CPI cả nước tháng 6/2016 theo Tổng cục Thống kê tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 2,35% so với tháng 12 năm 2015 và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2016 tăng 1,72% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương, có 3 nhóm yếu tố tác động khiến CPI 6 tháng đầu năm tăng khá cao: Nhóm yếu tố điều hành (dịch vụ y tế tăng theo lộ trình, dịch vụ giáo dục tăng, lương cơ bản tăng); Nhóm yếu tố thị trường (Giá hàng hóa thế giới tăng nhẹ trở lại từ tháng 2/2016); và nhóm yếu tố thời tiết bất lợi (thời tiết bất lợi làm cho sản xuất nông nghiệp giảm, ảnh hưởng nguồn cung lương thực thực phẩm).
Dự báo về tăng trưởng CPI những tháng cuối năm, ông Lê Quốc Phương cho rằng, CPI khó đạt chỉ tiêu dưới 5%. Nguyên nhân là bởi “Giá hàng hóa thế giới từ nay đến cuối năm sẽ có xu hướng tăng (dầu thô có thể đạt 60 USD/thùng); Giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục tiếp tục tăng theo lộ trình; Khả năng tăng trưởng tín dụng năm 2016 trên 20% sẽ đẩy giá bất động sản, chứng khoán lên nên CPI cả năm 2016 sẽ từ 5-5,5% (nếu so với tháng 12/2015) - tức là cao hơn mức mục tiêu 5% của Chính phủ”, ông Lê Quốc Phương dự báo.
Cũng tại buổi Hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến cho biết, nếu nghiên cứu biến động của CPI trong mối quan hệ với tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay thì có thể kết luận là việc CPI tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2016 (2,35%, mức tăng khá lớn so với mức tăng 6 tháng đầu năm 2015 là 0,55%; năm 2014 là 1,38) có thể sẽ chấm dứt tình trạng CPI giảm dần trong các năm từ 2011 cho tới nay và bắt đầu một giai đoạn mới theo chiều hướng tăng lên của CPI.
Tuy nhiên, theo ông Tuyến, trong 6 tháng cuối năm 2016, dù CPI sẽ tiếp tục tăng nhưng sẽ không cao hơn 6 tháng đầu năm 2016 và cả năm sẽ chỉ đạt mức khoảng 4% bởi hiện nay chưa thấy xuất hiện yếu tố có thể tác động lớn dẫn đến CPI tăng cao (việc tăng giá dịch vụ y tế sắp tới vẫn là theo lộ trình và sẽ không làm giá cả biến động nhiều; giá lương thực, thực phẩm sẽ tương đối ổn định; giá xăng dầu có xu hướng tăng dần nhưng chưa có biến động lớn; công tác điều hành và quản lý kinh tế của Chính phủ đang có chuyển biến tốt).
Đánh giá về CPI 6 tháng cuối năm, PGS.,TS. Ngô Trí Long cho rằng: “Nếu với sự điều hành thận trọng của Chính phủ, dự báo tốc độ lạm phát chung cho cả năm 2016 sẽ ở mức khoảng 4,2%. Tuy nhiên, do mặt bằng giá trong năm nay có thể sẽ có những diễn biến phức tạp đến từ nhiều yếu tố ngoại sinh như thị trường thế giới và biến đổi khí hậu (gây xáo trộn trên thị trường lương thực), việc Anh rời khỏi EU… và yếu tố nội sinh như khả năng kiểm soát cung tiền của NHNN và biến động của tổng cầu, sẽ không loại trừ việc lạm phát 2016 sẽ vượt qua mức mục tiêu 5% của Chính phủ".