Dự báo giá 17 hàng hóa quan trọng nhất thế giới năm 2013

Theo FFN, Vietstock

Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Hàng hóa Toàn cầu của Citigroup, Edward Morse, tuyên bố trong một báo cáo rằng chu kỳ tăng giá mạnh của các loại hàng hóa đã kết thúc. Nguyên nhân chính dẫn đến dự báo này là do đà giảm tốc tăng trưởng của Trung Quốc và mục tiêu tái cân bằng nền kinh tế của nước này trong dài hạn.

Tuy nhiên, một số hàng hóa chắc chắn sẽ có mức tăng trưởng vượt bậc so với các hàng hóa còn lại trong vài năm tới. Business Insider đã liệt kê từ báo cáo của Edward Morse dự báo giá 17 loại hàng hóa cơ bản và nhấn mạnh một số rủi ro có thể thúc đẩy hoặc nhấn chìm giá của các loại hàng hóa này.

1. Bi quan về giá dầu Brent
  • Giá bình quân năm 2012: 110 USD/thùng
  • Giá bình quân năm 2013: 99 USD/thùng
  • Giá bình quân năm 2014: 93 USD/thùng

Citigroup nhận thấy nguồn cung vẫn còn dồi dào khi căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông leo thang. Cuộc cách mạng năng lượng tại Mỹ cũng đẩy căng thẳng địa chính trị lên cao vì đã làm giảm sự phụ thuộc của nước này vào khu vực Tây Phi, Trung Đông, Venezuela, Mexico và khiến giá dầu giảm. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu khác sẽ chứng kiến giá cân bằng tài khóa (fiscal breakevens) – mức giá có thể góp phần vào việc cân đối ngân sách – gia tăng.

2. Dầu thô WTI tại Mỹ sẽ giảm do nhu cầu suy yếu

  • Giá bình quân năm 2012: 92 USD/thùng
  • Giá bình quân năm 2013: 85 USD/thùng
  • Giá bình quân năm 2014: 83 USD/thùng

Các chỉ số hàng hóa có thể gia tăng tỷ trọng dầu Brent nhưng lại giảm tỷ trọng dầu thô WTI trên sàn Nymex. Tuy nhiên, giá dầu thô WTI vẫn có khả năng bị tác động bởi nhu cầu dầu yếu ớt.

3. Giá khí thiên nhiên có thể tăng nhờ dự trữ thấp hơn và nhập khẩu ít hơn từ Canada cũng như xuất khẩu cao hơn sang Mexico

  • Giá bình quân năm 2012: 2,75 USD/MMBtu
  • Giá bình quân năm 2013: 3,55 USD/MMBtu
  • Giá bình quân năm 2014: 4,10 USD/MMBtu

Giá khí thiên nhiên sẽ phụ thuộc vào tính thời vụ. Vào mùa đông, giá có thể tăng do dự trữ tại Mỹ thường giảm vào cuối tháng 10, nhập khẩu ít hơn từ Canada và xuất khẩu cao hơn sang Mexico.

Sản lượng nội địa có thể giảm nhưng không nhiều. Tuy nhiên, vấn đề “vực thẳm tài khóa” có thể tác động mạnh đến giá khí thiên nhiên.

4. Tiêu thụ nhôm có thể tăng nhẹ trong năm 2013

  • Giá bình quân năm 2012: 2,057 USD/tấn
  • Giá bình quân năm 2013: 2,100 USD/tấn
  • Giá bình quân năm 2014: 2,175 USD/tấn

Sản lượng và dự trữ nhôm đang trên đà gia tăng nhưng nhu cầu đã góp phần ngăn chặn điều này tác động quá tiêu cực đến giá. Tiêu thụ nhôm có thể tăng trưởng nhẹ 1.3% trong năm 2013 do sự giảm tốc tăng trưởng của Trung Quốc và khủng hoảng nợ công châu Âu.

5. Giá đồng được dự báo giảm do nguồn cung tăng cao trong khi nhu cầu sụt giảm

  • Giá bình quân năm 2012: 7,970 USD/tấn
  • Giá bình quân năm 2013: 7,965 USD/tấn
  • Giá bình quân năm 2014: 7,775 USD/tấn

2013 là “năm chuyển tiếp đối với giá đồng” xét về cung cầu. Theo các nhà phân tích Citigroup, năm 2013 phát đi tín hiệu cho đợt sóng tiếp theo về nguồn cung đồng khi tăng trưởng nguồn cung từ các mỏ có thể tăng 6.7%.

Xét đến yếu tố nhu cầu, Trung Quốc khó có thể tung ra gói kích thích lớn vào đầu năm 2013 và với việc nhiều thị trường tại châu Âu có nguy cơ rơi vào suy thoái, nhu cầu từ khu vực này có thể khá ảm đạm.

6. Giá niken có thể tăng do nguồn cung thắt chặt hơn dự báo

  • Giá bình quân năm 2012: 17,833 USD/tấn
  • Giá bình quân năm 2013: 21,770 USD/tấn
  • Giá bình quân năm 2014: 24,400 USD/tấn

Các chuyên gia phân tích của Citigroup nhận định: “Trong ngắn hạn, sự kết hợp của các yếu tố như tồn kho thép không gỉ thấp, đặc biệt là tại châu Âu và Trung Quốc, cũng như dự trữ niken thấp có thể khiến niken ngày càng dễ bị tác động bởi hoạt động mua lại các hợp đồng đã bị bán khống. Tuy nhiên, không giống như đợt phục hồi vào tháng 1/2012, nhiều khả năng diễn biến tương tự vào đầu năm 2013 có thể châm ngòi cho hoạt động dự trữ niken, đẩy giá lên mức 21,000 USD/tấn trong quý 1/2013”.

7. Nhu cầu kẽm có thể tăng nhẹ và đẩy giá lên cao

  • Giá bình quân năm 2012: 1,956 USD/tấn
  • Giá bình quân năm 2013: 2,040 USD/tấn
  • Giá bình quân năm 2014: 2,125 USD/tấn

Thị trường đang đối mặt với các yếu tố cơ bản yếu kém vì dự trữ kẽm trên Sở giao dịch Kim loại London (LME) đã bắt đầu nhảy vọt kể từ đầu năm 2012. Nhu cầu kẽm đang chậm lại đặc biệt là từ Trung Quốc nhưng có thể cải thiện nhẹ trong năm 2013. Nguồn cung từ các mỏ vẫn còn khả quan.

8. Giá vàng sẽ tăng trong năm 2013 trước khi suy giảm vào năm tiếp theo

  • Giá bình quân năm 2012: 1,679 USD/oz
  • Giá bình quân năm 2013: 1,749 USD/oz
  • Giá bình quân năm 2014: 1,655 USD/oz

Dù nhà đầu tư ngày càng ít lạc quan về vàng nhưng Citigroup dự báo kim loại quý sẽ tiếp tục tăng giá. Sự chiến thắng của Tổng thống Obama được kỳ vọng là yếu tố tích cực đối với vàng vì kim loại quý sẽ được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ ủng hộ việc giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng.

Hơn nữa, giá vàng còn được tiếp sức bởi hoạt động mua vàng dự trữ của các ngân hàng trung ương và nhu cầu vàng cải thiện tại Ấn Độ trong lễ hội Diwali.

9. Giá bạc có thể giảm do nhu cầu yếu ớt và sản lượng tăng cao

  • Giá bình quân năm 2012: 31,3 USD/oz
  • Giá bình quân năm 2013: 31 USD/oz
  • Giá bình quân năm 2014: 26,5 USD/oz

Trong ngắn hạn, nguồn cung bạc sẽ cải thiện khi sản lượng tăng cao nhờ các dự án như Pascua-Lama, Concheno, Pueblo Viejo, Saucito và Penasquito. Tuy nhiên, nhu cầu bạc vẫn còn thấp, đặc biệt là nhu cầu bạc trang sức. Trong khi đó, nhu cầu bạc trong các ngành công nghiệp cũng không khả quan hơn. Do đó, giá bạc có thể rơi vào thời kỳ sụt giảm.

10. Giá bạch kim sẽ tăng vì thị trường sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung xuất phát từ các cuộc đình công tại Nam Phi

  • Giá bình quân năm 2012: 1,556 USD/oz
  • Giá bình quân năm 2013: 1,675 USD/oz
  • Giá bình quân năm 2014: 1,775 USD/oz

Các cuộc đình công tại Nam Phi đã khiến giá bạch kim biến động mạnh trong thời gian gần đây vì tình trạng gián đoạn trong hoạt động sản xuất đã bù đắp được nhu cầu yếu kém từ châu Âu.

Tuy nhiên, Citigroup dự báo nguồn cung trên thị trường bạch kim sẽ cân bằng trở lại trong giai đoạn 2012-2014 và rơi vào thiếu hụt trong năm 2015.

11. Giá palađi sẽ được hỗ trợ bởi nhu cầu cao hơn và nguồn cung thấp hơn

  • Giá bình quân năm 2012: 638 USD/oz
  • Giá bình quân năm 2013: 744 USD/oz
  • Giá bình quân năm 2014: 925 USD/oz

Nam Phi chiếm đến 42% nguồn cung palađi và 80% nguồn cung bạch kim toàn cầu. Điều này lý giải tại sao sức thúc đẩy từ các cuộc đình công dành cho kim loại này lại thấp hơn so với bạch kim.

Dù vậy, Citigroup dự báo thị trường palađi sẽ bị thiếu hụt vào năm 2013 do nhu cầu palađi cao hơn nhờ sự phục hồi của ngành công nghiệp xe hơi và do nguồn cung thấp hơn.

12. Giá quặng sắt sẽ tiếp tục biến động do hoạt động tăng và giảm dự trữ vòng thép của Trung Quốc

  • Giá bình quân năm 2012: 125 USD/tấn
  • Giá bình quân năm 2013: 120 USD/tấn
  • Giá bình quân năm 2014: 122 USD/tấn

Theo các nhà phân tích Citigroup, việc tạm dừng hoạt động khai thác quặng sắt chi phí cao sẽ là yếu tố quan trọng quyết định đến cơ chế thiết lập giá quặng sắt năm 2013. Citigroup duy trì dự báo giá quặng sắt 2013 ở mức 120 USD/tấn dựa trên giả định rằng sẽ mất 2-3 năm nữa hoạt động sản xuất quặng sắt chi phí cao mới hoàn toàn chấm dứt.

Tuy nhiên, các nhà phân tích dự báo biến động giá quặng sắt sẽ tăng cao, đặc biệt là hợp đồng giao ngay do hoạt động tăng và giảm dự trữ vòng thép của Trung Quốc.

13. Giá ngô sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của năm nay và nửa đầu 2013 nhưng có thể giảm trở lại vào năm 2014 do diện tích canh tác kỷ lục

  • Giá bình quân năm 2012: 7 USD/giạ
  • Giá bình quân năm 2013: 7 USD/giạ
  • Giá bình quân năm 2014: 6,25 USD/giạ

Giá ngô sẽ duy trì trở mức cao trong thời gian còn lại của năm 2012 và nửa đầu 2013. Việc xây dựng nguồn dự trữ ngô sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu thức ăn gia súc thấp hơn vì số lượng gia súc suy giảm sau đợt hạn hán khắc nghiệt vào mùa hè này tại Mỹ.

Diện tích canh tác ngô có thể đạt kỷ lục trong năm 2013-2014 và nếu diễn biến thời tiết bình thường trở lại, sản lượng ngô cũng có thể đạt kỷ lục.

14. Giá lúa mì có thể tăng trong năm 2013 nhưng sẽ suy yếu trong năm 2014 do sản lượng thất vọng

  • Giá bình quân năm 2012: 7,6 USD/giạ
  • Giá bình quân năm 2013: 8,6 USD/giạ
  • Giá bình quân năm 2014: 7,75 USD/giạ

Các nhà phân tích Citigroup nhận định: “Dù sản lượng là vấn đề riêng của Mỹ nhưng giá lúa mỳ sẽ được hưởng lợi từ hiện tượng toàn cầu. Đó chính là triển vọng sản lượng và dự trữ lúa mỳ cho xuất khẩu đầy thất vọng tại Biển Đen, Australia và Argentina”.

15. Giá đậu nành tại Mỹ sẽ tăng trong nửa đầu năm 2013 khi giao dịch hàng hóa này cải thiện

  • Giá bình quân năm 2012: 14,9 USD/giạ
  • Giá bình quân năm 2013: 15 USD/giạ
  • Giá bình quân năm 2014: 13,35 USD/giạ

Giá đậu nành giảm do sản lượng ngày càng cao tại Mỹ và vụ mùa kỷ lục tại Nam Mỹ.

Tuy nhiên, giao dịch đậu nành có thể cải thiện và sẽ đẩy giá lên cao trong hai quý đầu năm 2013 trước khi sản lượng quốc tế tác động xấu đến thị trường. Ngoài ra còn có những bất ổn thời tiết xung quanh vụ mùa của Mỹ La-tinh.

16. Triển vọng bông khá tiêu cực do sản lượng toàn cầu tăng cao và nhu cầu ảm đạm

  • Giá bình quân năm 2012: 0,78 USD/lb
  • Giá bình quân năm 2013: 0,68 USD/lb
  • Giá bình quân năm 2014: N/a

Citigroup tiếp tục bi quan về giá bông do sản lượng toàn cầu cao bất chấp hạn hán tại Mỹ và gió mùa yếu tại Ấn Độ. Nhu cầu đang bị tác động mạnh vì thiếu lực mua từ chương trình mua bông dự trữ của Trung Quốc. Dự trữ bông chính thức có thể tăng cao nhờ thu hoạch vụ mùa của Mỹ.

17. Giá đường có thể đi ngang nhưng đối mặt với rủi ro suy giảm

  • Giá bình quân năm 2012: 0,22 USD/lb
  • Giá bình quân năm 2013: 0,21 USD/lb
  • Giá bình quân năm 2014: N/a

Các nhà phân tích Citigroup cho rằng: “Sau khi xem xét kỹ các yếu tố, triển vọng sản lượng có vẻ khá khả quan và do tăng trưởng nhu cầu ảm đạm nên giá đường ICE khó có thể biến động mạnh.”