Dự báo sớm lợi nhuận ngân hàng 2017
Kết quả kinh doanh quý III/2017 của các ngân hàng đang dần hé lộ với nhiều tích cực. Trong bối cảnh tín dụng được mở rộng, tiến độ xử lý nợ xấu được đẩy nhanh kể từ khi có Nghị quyết 42/2017/QH14… nhiều ngân hàng được dự báo sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho năm nay. Tuy nhiên cần nói thêm rằng, đây là các chỉ tiêu không quá cao.
Quý III, nhiều ngân hàng lãi lớn
Là một trong những ngân hàng có tổng nợ xấu lớn nhất khối ngân hàng thương mại cổ phần sau sáp nhập, nhưng với nỗ lực tái cơ cấu, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, hoạt động của Sacombank đã có những cải thiện rõ rệt.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2017, tổng tín dụng và nguồn vốn huy động của Sacombank lần lượt đạt 221.000 tỷ đồng và 330.700 tỷ đồng, tăng 13,4% và 9,2% so với đầu năm; lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng mẹ ước đạt 900 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất 1.100 tỷ đồng (cao gấp đôi cùng kỳ 2016). Tính đến 22/9/2017, tổng tài sản của Sacombank đạt gần 360.000 tỷ đồng, tăng 9,3% so với đầu năm.
“Với kết quả này, khả năng hoàn thành mục tiêu đạt 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế mà Đại hội đồng cổ đông giao là hoàn toàn có thể”, lãnh đạo Sacombank nói.
Sacombank, thời kỳ hoàng kim cách đây 5-6 năm, mức lợi nhuận năm thường xấp xỉ 3.000 tỷ đồng. Vì vậy, mức 1.000 tỷ đồng năm nay chỉ là mức "an ủi".
LienVietPostBank cũng là cái tên gây chú ý trên thị trường hiện nay. Ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, 9 tháng đầu năm 2017, LienVietPostBank ước lãi 1.450 tỷ đồng, gần hoàn thành mục tiêu đưa ra cho cả năm nay là 1.500 tỷ đồng.
Với MB, ngân hàng không quá khó khăn giai đoạn vừa qua, là một trong số ít sự khác biệt của ngành ngân hàng. Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MB thông tin, đến cuối quý III/2017, tổng tài sản MB đạt 285.772 tỷ đồng, huy động vốn 211.732 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 3.902 tỷ đồng. Năm 2017, MB dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu tổng tài sản 274.500 tỷ đồng, huy động vốn tối thiểu 211.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.300 tỷ đồng (vượt hơn 5% kế hoạch).
Ở top thấp hơn, theo Báo cáo tài chính quý III/2017 của TPBank, sau trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận 9 tháng của Ngân hàng đạt 807 tỷ đồng, vượt kế hoạch lợi nhuận 780 tỷ đồng đã đề ra cho cả năm. Dư nợ tín dụng hiện đạt 67.056 tỷ đồng, tăng gần 20% so với đầu năm và hoàn thành 97,8% kế hoạch năm; chất lượng tín dụng kiểm soát tốt, với tỷ lệ nợ xấu dưới 0,8%; tổng huy động cũng tăng gần 21% so với đầu năm và đạt gần 95% kế hoạch năm.
Báo kết quả kinh doanh quý II/2017 của VIB cho thấy, lợi nhuận trước thuế trong kỳ của Ngân hàng đạt 380 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ 2016 và hoàn thành 51% kế hoạch năm. Trong nửa đầu năm, tăng trưởng tín dụng của VIB đạt gần 16%, tức gần cạn room tín dụng được giao. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho VIB được nới room lên 24%.
Với việc hạn mức tín dụng được tăng cao, lãnh đạo VIB cho biết, Ngân hàng sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận trong năm 2017. Được biết, năm nay, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 750 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2016. CTCK Bảo Việt (BVSC) đưa ra dự báo VIB sẽ lãi ròng gần 700 tỷ đồng trong năm 2017; tăng trưởng tín dụng có thể đạt 24%, tăng trưởng huy động đạt 15%...
Tại OCB, tuy chưa công bố kết quả kinh doanh quý III/2017, nhưng với dự báo khả quan trong kỳ, bên cạnh kết quả tốt từ quý II (đạt 494 tỷ đồng lãi trước thuế), lãnh đạo ngân hàng này tự tin cho hay, kế hoạch lãi 780 tỷ đồng trước thuế trong năm 2017 “nằm trong tầm tay”.
Tín dụng tăng trưởng mạnh, nhưng không ồ ạt
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước) vừa công bố cho thấy, dư nợ tín dụng của nền kinh tế được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong quý cuối năm, bình quân kỳ vọng tăng trưởng 6,07% (cao hơn mức tăng thực tế 5,91% của quý IV/2016 và mức tăng kỳ vọng 5,09% của quý trước) và tăng 17,02% trong năm 2017 (cao hơn so với mức kỳ vọng 16,3% ghi nhận tại kỳ điều tra trước, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng thực tế 18,25% của năm 2016).
TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Cho vay vẫn là hoạt động chính mang lại lợi nhuận của toàn hệ thống. Điểm nổi bật là quản lý rủi ro nợ xấu trong hoạt động cho vay thời gian gần đây đã được nhiều ngân hàng kiểm soát khá tốt, tác động tích cực lên kết quả kinh doanh. Đây là điều rất đáng mừng”.
Đồng quan điểm, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và ngoại hối HSBC Việt Nam nhìn nhận: “Dù mục tiêu tăng trưởng 2017 được đẩy lên cao 21-22%, nhưng tôi cho rằng, Việt Nam sẽ khó rơi vào vòng xoáy tăng trưởng tín dụng ồ ạt như trước đây, khi mà bài học và hậu quả về nợ xấu từ thời kỳ tín dụng gia tăng trung bình 32% giai đoạn 2000-2010 vẫn còn quá rõ nét.
Cả cơ quan quản lý và thị trường từ đó tới nay đã nâng cao năng lực cả về giám sát, điều hành và hoạt động để ngăn chặn những biến cố như vậy. Trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát tín dụng, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu theo hướng tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, hạn chế cho vay các lĩnh vực có nhiều rủi ro…”.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đối với nền kinh tế được liên tục tăng ngay từ những tháng đầu năm 2017 và tăng đều qua các tháng. Đến ngày 20/9/2017, tín dụng tăng 11,02% so với cuối năm 2016 - mức tăng cao so với các năm gần đây (cùng kỳ năm 2016 tăng 10,46% và cùng kỳ năm 2015 tăng 10,78%). Tuy nhiên, cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, trong đó tín dụng đối với một số ngành kinh tế trọng điểm và lĩnh vực ưu tiên tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn hệ thống.
Cụ thể, tín dụng nông nghiệp và phát triển nông thôn tính đến tháng 8/2017 đạt 1.222.267 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2016, chiếm tỷ trọng khoảng 20,2% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Tín dụng đối với 4 lĩnh vực ưu tiên còn lại (tính đến cuối tháng 8/2017) gồm xuất khẩu đạt 207.001 tỷ đồng, tăng 8,14%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 35.012 tỷ đồng, tăng 25,12%; công nghiệp ưu tiên phát triển đạt 153.837 tỷ đồng, tăng 18,9%; doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1.292.182 tỷ đồng, tăng 7,49%.
Báo cáo tổng hợp của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng cho thấy bức tranh khả quan về lợi nhuận của hệ thống tổ chức tín dụng. Theo đó, 9 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận sau thuế toàn hệ thống đạt khoảng 47.000 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu là nhờ đóng góp từ hoạt động tín dụng và hoạt động dịch vụ. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng 15,8%; tỷ lệ thu nhập lãi thuần cận biên (NIM) đạt 2,8% trong khi cùng kỳ năm ngoái là 2,7%; tỷ lệ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng/tổng lợi nhuận trước trích lập dự phòng cũng giảm từ 53% năm 2016 xuống còn 49%...