Dư địa lớn cho bất động sản nghỉ dưỡng

Theo Minh Sơn/thoibaokinhdoanh.vn

Mặc dù nguồn cung thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam suy giảm tốc độ tăng trưởng, nhưng tiềm năng tăng trưởng vẫn rất lớn. Theo các chuyên gia quốc tế, tương lai 10 năm tới, thị trường này sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và ngày đạt được độ chín.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại Hội thảo thị trường khách sạn và bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng tổ chức mới đây, ông Robert Micintosh, Giám đốc điều hành CBRE Hotel châu Á – Thái Bình Dương, cho biết ngành khách sạn Việt Nam năm 2019 mặc dù có suy giảm về tốc độ tăng trưởng, chỉ còn duy trì ở mức 10,8%, so với mức trên 20% của năm 2018, nhưng vẫn là một con số ấn tượng so với các quốc gia trong khu vực và toàn châu Á.

Không lo nguồn cung chững

Thị trường khách sạn Việt Nam cũng ghi nhận sự bùng nổ nguồn cung từ năm 2015 đến nay. Trong đó, phân khúc khách sạn 5 sao có mức độ tăng cung lớn nhất, đặc biệt là ở Đà Nẵng.

Cụ thể, từ năm 2015 – 2019, số phòng khách sạn 5 sao tăng hơn gấp 2 lần, từ 24.212 phòng lên 52.213 phòng. Phân khúc 4 sao cũng duy trì mức tăng trưởng tốt, tăng từ 27.379 phòng lên 39.023 phòng.

Ông Nguyễn Trọng Thức, Quản lý cấp cao CBRE Hotel Việt Nam, cho rằng sở dĩ thị trường BĐS nghỉ dưỡng phát triển là do từ năm 2015 đến nay, một số khu vực như Nha Trang, Phú Quốc có rất nhiều dự án của các tập đoàn BĐS lớn được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp. Các tập đoàn đã góp phần để khách du lịch biết đến những địa danh này nhiều hơn.

Từ sự phát triển của nguồn cung đã kéo theo sự chú ý của nhiều nhà đầu tư. Khi đầu tư vào các sản phẩm BĐS như condotel, villa cũng bởi các yếu tố khách du lịch tăng. Khách hàng mua BĐS tại Nha Trang, Khánh Hòa, Phú Quốc cũng tin tiềm năng du lịch của các vùng này sẽ mang lại kết quả kinh doanh và lợi nhuận mà họ mong muốn.

Tuy nhiên, kể từ năm 2018, các Tp. Nha Trang, Đà Nẵng đã có một cuộc khủng hoảng về pháp lý, một số dự án được cấp phép khá nhanh so với quy định của Nhà nước nên sau khi thanh tra, kiểm tra thì việc cấp phép này đã bị hoãn lại. Một số nhà đầu tư dự án mới đã cẩn thận hơn, tìm hiểu kỹ hơn, cũng như quá trình cấp phép chặt chẽ hơn.

Trước đó, nhiều chuyên gia BĐS phân tích sự chững lại của nguồn cung chỉ là tạm thời, khi pháp lý cho BĐS nghỉ dưỡng chưa rõ ràng; các cơ quan chức năng rà soát lại các dự án và Ngân hàng Nhà nước cũng đang siết lại dòng tiền đổ vào BĐS.

“Đây là thời gian để các chủ đầu tư định hướng lại các dòng sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng chuẩn bị cho chu kỳ phát triển mới, vì tiềm năng du lịch vẫn chưa được khai thác hết”, một chuyên gia nhận định.

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và ngày đạt được độ chín trong 10 năm tới
Thị trường BĐS nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và ngày đạt được độ chín trong 10 năm tới
 

Tiềm năng lớn

Theo ông Nguyễn Trọng Thức, ngoài tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng sản xuất nói chung thì tăng trưởng du lịch là một trong những yếu tố tăng trưởng ấn tượng hiện nay của Việt Nam. Năm 2018, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao, chiếm tỷ trọng trong khách quốc tế đến Đông Nam Á.

Các nhà đầu tư BĐS nắm bắt được và đang đón đầu xu thế này để phát triển doanh nghiệp. Ngoài việc phát triển các dự án ở trung tâm hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM, các tập đoàn BĐS cũng đang tìm kiếm các quỹ đất tại khu vực có tiềm năng du lịch biển như Ninh Thuận, Bình Thuận, Quy Nhơn, Tuy Hòa…

Ở miền Bắc, các nhà phát triển BĐS còn đang săn lùng quỹ đất ở vùng có núi, có hồ như Sapa, Hòa Bình, Tam Đảo, Đại Lải, Thanh Hóa… Nguyên nhân là tại những khu vực này, việc tìm quỹ đất dễ hơn, nguồn cung cạnh tranh ít hơn, đỡ bị áp lực, có lợi hơn cho các chủ đầu tư dám mạo hiểm.

Theo ông Gautam Bhandari, Phó giám đốc phát triển khu vực Marriott APAC, tương lai trong khoảng hơn 10 năm tới, thị trường BĐS ở Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, đạt được độ chín và duy trì tăng trưởng.

“Đây cũng là bước tiến chung, không chỉ của Việt Nam mà cả các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan… Thị trường Việt Nam vẫn sẽ rất tiềm năng cả với khách nội và khách ngoại”, ông Gautam Bhandari nhấn mạnh.

Bà Thủy Nguyễn, Giám đốc Kinh doanh Silk Path Hotels & Resort cũng khẳng định với sự phát triển của Việt Nam, trong đó Chính phủ chủ trương lấy du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn thì trong 10 năm tới, lượng khác du lịch nội địa sẽ vẫn là điểm nhấn và duy trì tăng trưởng.

“Nếu 10 năm trước, các gia đình phấn đấu đi du lịch 1 – 2 năm/lần, thì nay đã khác hẳn. Có nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ Y duy trì mức độ đi du lịch 1 lần/2 tháng. Đây là khách hàng chính và sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường du lịch trong nước. Họ bỏ tiền để mua trải nghiệm chứ không phải mua sản phẩm đơn thuần. Do đó, các nhà điều hành, chủ đầu tư cần có những điều chỉnh về sản phẩm, tiếp thị theo phong cách, lối sống của nhóm khách hàng này”, bà Thủy Nguyễn lưu ý.

Tuy nhiên, theo chuyên gia của CBRE, một điểm quan trọng khác là để phát triển thị trường BĐS nghỉ dưỡng không chỉ cần xây dựng sản phẩm tốt mà song song cần phát triển cả hạ tầng giao thông mới có thể thu hút được đầu tư và nguồn cầu.