Dù giá vàng có tăng cũng không nên "lướt sóng"
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nếu đầu tư vào vàng thì không nên lướt sóng tức là không nên mua đi bán lại để kiếm lời, bởi giá vàng hiện tại rất khó nắm bắt.
Ba năm gần đây, do sự kiểm soát thị trường vàng nên giá vàng trong nước gần như đứng yên, bất chấp giá vàng thế giới tăng hay giảm. Tuy vậy, thời gian gần đây, giá vàng trong nước liên tục tăng mạnh. Đặc biệt là ngày 19/7 vừa qua, giá vàng tăng vọt lên trên 40 triệu đồng/lượng, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Trước những diễn biến trên của thị trường, phóng viên có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu về diễn biến thị trường vàng gần đây và dự báo thời gian tới.
Phóng viên: Theo những dự báo của nhiều chuyện gia uy tín trên thế giới thì giá vàng trên thế giới năm nay có thể đạt đến 1.500 USD/Ounce, ông đánh giá thế nào về nhận định này?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi nghĩ rằng khả năng mà giá vàng đạt đến mức 1.500 USD/Ounce là có thể xảy ra. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại vẫn phải quan sát liệu thị trường vàng có thể phá vỡ mốc 1.450 USD/Ounce hay không. Bởi khoảng cách từ 1.450-1.500 USD/Ounce là khá lớn. Do đó, khả năng để giá vàng đạt đến mức 1.500 USD/Ounce có thể xảy ra tuy vậy xác xuất không cao, ít nhất là trong khoảng thời gian từ giờ cho đến cuối năm.
Những lý do chính khiến các chuyên gia đưa ra nhận định trên là gì thưa ông?
Tôi cho rằng, nguyên nhân để chuyên gia thế giới đưa ra nhận định trên có thể kể đến là cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa được giải quyết, cuộc chiến tranh thương mại này đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một sự suy giảm rất đáng kể. Khi mà khủng hoảng xảy ra thì vàng luôn là tài sản trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư. Vì vậy, trên thế giới nhà đầu tư đang mua vàng rất nhiều.
Bên cạnh đó, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran vùng Trung Đông cũng đang là một cuộc khủng hoảng về kinh tế và chính trị trầm trọng, điều này đã tạo lực đẩy để giá vàng tăng lên ngưỡng 1.450 USD/Ounce, nhưng để có thể đạt đến mức 1.500 USD/Ounce như dự báo trước đó hay không thì tôi vẫn cho rằng trong năm nay xác xuất đạt được là không cao.
Thực tế đến giữa tháng 6 thì giá vàng thế giới đã vượt mức 1.400 USD/Ounce, liệu xu hướng tăng này sẽ tiếp diễn đến bao giờ?
Tôi cho rằng, xu hướng tăng này sẽ tiếp diễn từ đây đến cuối năm. Nếu khủng hoảng về thương mại và khủng hoảng về chính trị quân sự tiếp tục leo thang thì giá vàng sẽ tiếp tục tăng.
Trừ trường hợp nếu Mỹ và Trung Quốc có những thỏa thuận về cuộc chiến tranh thương mại, cùng với đó tình hình Trung Đông và Iran lắng xuống thì giá vàng sẽ giảm, tuy vậy điều này khó mà xảy ra trong năm nay.
Cần phải nhắc nếu đầu tư vào vàng thì không nên lướt sóng, tức là không nên mua đi bán lại để kiếm lời, bởi giá vàng hiện tại rất khó nắm bắt.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Giá vàng Việt Nam tuy có có tăng, nhưng lại rẻ hơn giá vàng thế giới? Tại sao lại như vậy?
Thị trường vàng của Việt Nam và thị trường vàng của thế giới nó không có sự liên thông với nhau. Vì thế, có những lúc giá vàng Việt Nam sẽ cao hơn giá vàng của thế giới và ngược lại, sẽ có lúc giá vàng thế giới cao hơn giá vàng Việt Nam. Hiện tượng này xảy ra trong nhiều năm vừa qua, tuy vậy, nói chung thị trường vàng trong nước cũng sẽ đi theo xu hướng vàng của thế giới.
Nguyên nhân tại sao mặc dù giá vàng biến động mạnh trong thời gian qua, có thời điểm vàng tăng sốc gần chạm mốc 40 triệu đồng/lượng nhưng thị trường không còn cảnh “đổ xô” đi mua bán vàng như trước?
Thật sự việc giá vàng lên xuống như thế này, nó đi theo xu hướng vàng thế giới rất nhiều. Vàng của ngày hôm nay không còn được đầu tư rộng rãi như ngày xưa.
Ngày xưa, người ta xem vàng như một tài sản để tiết kiệm cũng như để kinh doanh. Nhưng ngày nay, kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước triển khai một loạt các biện pháp quản lý, điều hành thị trường vàng mà điển hình là Nghị định 24/2012/NĐ-CP, thị trường vàng trong nước đã dần trở về trạng thái ổn định, hiện tượng “vàng hóa” nền kinh tế theo đó cũng được giảm thiểu. Hiện nay, vàng chỉ là một tài sản có giá trị và mang tính tiết kiệm thôi chứ không còn là tài sản để kinh doanh nữa.
Vì vậy, yếu tố về đầu cơ vàng đã giảm đi rất nhiều. Chính vì vậy, khi giá vàng biến động lên xuống sẽ theo thị trường của thế giới nhiều hơn là do tác động từ cung cầu chuyển biến. Mà cung cầu chuyển biến như thế cũng chỉ là trong một mức độ thấp thôi chứ không hoàn toàn do yếu tố đầu cơ.
Tuy vậy, nếu giá vàng lên tới mức 1.500 USD/Ounce thì hiện tượng đầu cơ có thể trở lại.
Ngoài lý do giá vàng thế giới tăng dẫn đến giá vàng Việt Nam tăng, thì liệu còn những yếu tố nội tại nào khiến giá vàng trong nước bất ổn không?
Nền kinh tế của Việt Nam hiện tại đang tăng trưởng tốt, đầu tư từ nước ngoài đổ vào Việt Nam trong năm nay rất khả quan, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, tỷ giá có tăng tuy vậy chỉ tăng rất nhẹ trong năm. Do vậy, nhìn chung tình hình kinh tế vĩ mô ổn định như thế thì không có nhiều lý do để người ta chạy vào vàng như ngày xưa.
Từ trước đến nay vàng vẫn được coi là công cụ tránh bão khi giá USD hoặc thị trường chứng khoán giảm điểm, trong bối cảnh hiện tại theo ông có nên đầu tư vào vàng hay không?
Nếu giá vàng tiếp tục tăng thì tôi cho rằng việc đầu tư vào vàng cũng là một kênh mà người dân nên xem xét. Tuy nhiên, có một số yếu tố sau đây cần lưu ý:
Thứ nhất là không nên đổ tất cả tài sản và tiền tiết kiệm của mình vào vàng. Bởi, người dân còn nhiều kênh đầu tư khác, ví dụ như chứng khoán, tiền gửi tiết kiệm ngân hàng hoặc cũng có thể là bất động sản và vàng không còn là kênh đầu tư tạo ra nhiều lợi nhuận như ngày xưa nữa. Khi giá vàng tăng lên như hiện tại, người dân có thể bỏ một số tiền nhưng không nên quá 1/3 số tiền mình có để đầu tư vào vàng.
Bởi lẽ, vàng là một tài sản có giá trị và giá trị của nó luôn tăng nếu theo một chu kỳ lớn, khoảng từ 1 đến 2 năm thì giá vàng không thể nào xuống được. Do vậy, vàng cũng là một loại tài sản mà người dân nên quan tâm, tuy vậy tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng không nên bỏ tất cả trứng vào một rổ.
Thứ hai đặc biệt là cần phải nhắc nếu đầu tư vào vàng thì không nên lướt sóng, tức là không nên mua đi bán lại để kiếm lời, bởi giá vàng hiện tại rất khó nắm bắt.
Xin cám ơn ông!