Dự kiến Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 20/7-3/8/2021


Tại phiên họp thứ 57 diễn ra vào chiều ngày 14/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và thảo luận Báo cáo về một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Trong đó, dự kiến Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra từ ngày 20/7-3/8/2021.

Toàn cảnh phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào chiều ngày 14/6. Nguồn: quochoi.vn
Toàn cảnh phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào chiều ngày 14/6. Nguồn: quochoi.vn

Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV vào ngày 20/07/2021. Về dự kiến chương trình kỳ họp, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao công tác phòng chống dịch bệnh cần được thực hiện nghiêm ngặt, kỹ lưỡng hơn tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị không bố trí xen kẽ công tác nhân sự với các nội dung khác mà thống nhất thực hiện công tác nhân sự trước vào thời gian đầu kỳ họp, sau đó Quốc hội mới triển khai thực hiện xem xét các báo cáo và nội dung quan trọng khác trong gian đoạn sau của kỳ họp nhằm đảm bảo sự thống nhất, chặt chẽ, quy trình, thủ tục trình các báo cáo, đồng thời cân nhắc kỹ tính pháp lý của các báo cáo, văn bản trình Quốc hội.

Phát biểu kết luận về nội dung chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định rất nhiều nội dung quan trọng như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính trung hạn, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch sử dụng đất 5 năm tới... 

Do đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần tính toán hết các công việc phải làm tại kỳ họp để các đại biểu Quốc hội có đủ thời gian xem xét, quyết định các vấn đề, bảo đảm chất lượng kỳ họp. Kỳ họp này cần có ngay những đổi mới trong công tác tổ chức, nâng cao chất lượng công tác thảo luận tại tổ. Thời lượng để trình các báo cáo cần giảm bớt cho hợp lý, không nên quá dài, làm sao để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn nâng cao chất lượng kỳ họp. 

Dự kiến, tổng thời gian kỳ họp là 11,5 ngày làm việc. Trong đó, sẽ dành 5 ngày tiến hành công tác nhân sự; 4,5 ngày tiến hành xem xét các báo cáo và một số nội dung khác... Dự kiến, Quốc hội họp phiên trù bị vào chiều ngày 19/7; khai mạc vào ngày 20/7 và bế mạc vào sáng ngày 3/8/2021.