Dự kiến một năm "bùng nổ" về nguồn cung nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng cho biết, 108 dự án nhà ở xã hội với quy mô 47.532 căn đã được các địa phương đăng ký hoàn thành xây dựng trong năm 2024. Điều này dự sẽ giúp nguồn cung nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng cho biết, 108 dự án nhà ở xã hội với quy mô 47.532 căn đã được các địa phương đăng ký hoàn thành xây dựng trong năm 2024. Điều này dự kiến sẽ giúp nguồn cung nhà ở xã hội "bùng nổ" trong năm nay.
108 dự án nhà ở xã hội đăng ký hoàn thành trong năm 2024
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/12/2023, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị đăng ký số lượng dự án, số lượng căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp hoàn thành trong năm 2024.
Theo đó, các địa phương đã đăng ký hoàn thành xây dựng 108 dự án nhà ở xã hội, quy mô 47.532 căn hộ trong năm 2024. Cụ thể, TP.HCM đăng ký hoàn thành 6 dự án, quy mô 3.765 căn; Đà Nẵng 3 dự án, quy mô 1.880 căn; Bình Dương 20 dự án, quy mô 4.500 căn; Cần Thơ 2 dự án, quy mô 1.535 căn; An Giang 4 dự án, quy mô 1.907 căn.
Ở khu vực phía Bắc, số lượng dự án nhà ở xã hội đăng ký hoàn thành của Bắc Ninh là 5 dự án, quy mô 6.000 căn; Hải Phòng 8 dự án, quy mô 3.925 căn; Quảng Ninh 3 dự án, quy mô 1.600 căn; Hà Nội 3 dự án, quy mô 1.181 căn; Bắc Giang 2 dự án, quy mô 2.428 căn và Hà Nam 4 dự án, quy mô 1.666 căn…
Theo Bộ Xây dựng, đây cũng là những địa phương có số dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đăng ký hoàn thành dẫn đầu cả nước.
Trên thực tế, ngay những ngày đầu năm 2024, thị trường đã ghi nhận một số dự án nhà ở xã hội quy mô lớn được khởi công xây dựng. Đơn cử như thương hiệu nhà ở xã hội Happy Home của Công ty Cổ phần Vinhomes tại Hải Phòng và Khánh Hoà.
Cụ thể, ngày 6/1/2024, Vinhomes đã khởi công dự án nhà ở xã hội Happy Home tại Hải Phòng với quy mô hơn 28ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, dự án dự kiến cung cấp 27 block nhà chung cư với khoảng 4.004 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng gần 10.000 người.
Khởi công dự án Happy Home Hải Phòng chưa lâu, chủ đầu tư Vinhomes tiếp tục khởi công xây dựng dự án nhà ở xã hội mang thương hiệu Happy Home tại Cam Ranh, Khánh Hoà.
Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng, quy mô 87,64ha, khoảng 3.600 căn nhà ở xã hội dạng thấp tầng. Happy Home Cam Ranh được quy hoạch hạ tầng đồng bộ với hệ thống cảnh quan, dịch vụ tiện ích như trung tâm vui chơi giải trí, các câu lạc bộ - khu tập luyện thể thao ngoài trời, sân chơi trẻ em, vườn hoa cây xanh... Bên cạnh đó, dự án còn có đầy đủ các hạng mục hạ tầng xã hội bao gồm: Trạm y tế, hệ thống trường học từ mầm non đến trung học phổ thông... Vì vậy, đây được xem là dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhìn nhận, việc các địa phương tích cực đăng ký hoàn thành xây dựng dự án nhà ở xã hội cũng như các "ông lớn" bất động sản chủ động tham gia phát triển phân khúc này là tín hiệu đáng mừng của thị trường bất động sản. Điều này sẽ giúp nguồn cung nhà ở xã hội được cải thiện, từng bước tiến tới hoàn thành Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, hơn hết là đáp ứng nhu cầu ở thực của đông đảo người dân lao động, công nhân tại các khu công nghiệp.
Bước sang năm 2024, mục tiêu mà các địa phương đặt ra là cao hơn, nên càng kỳ vọng nguồn cung nhà ở xã hội sẽ bùng nổ hơn. Đây cũng sẽ là một trong những điểm nhấn nổi bật của thị trường bất động sản trong năm 2024.
Ông Châu cho biết, năm 2023 cả nước có 44 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp, với quy mô 36.262 căn đã hoàn thành và được cấp phép, khởi công xây dựng. Trong đó, có 28 dự án với quy mô 13.864 căn đã hoàn thành; 16 dự án với quy mô 22.398 căn đã được cấp phép, khởi công xây dựng.
Dù kết quả này không quá lớn nhưng cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ và sự chủ động của các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
"Bước sang năm 2024, mục tiêu mà các địa phương đặt ra là cao hơn, nên càng kỳ vọng nguồn cung nhà ở xã hội sẽ bùng nổ hơn. Đây cũng sẽ là một trong những điểm nhấn nổi bật của thị trường bất động sản trong năm 2024", lãnh đạo HoREA nhấn mạnh.
Trọng tâm phát triển nhà ở xã hội là hướng đi đúng đắn
Theo ông Lê Hoàng Châu, nhà ở xã hội hay nhà ở giá rẻ phải là ưu tiên phát triển của thị trường bất động sản trong chu kỳ mới. Trọng tâm các chính sách cần hướng đến thúc đẩy các dòng sản phẩm này. Có như vậy, thị trường mới đạt được sự cân bằng và duy trì bền vững. Ngược lại, nếu nhà ở xã hội hay nhà ở giá rẻ vẫn chỉ là "con ghẻ" của thị trường thì thị trường sẽ nhanh chóng đi lại "vết xe đổ" của chu kỳ cũ.
Nhìn nhận với Reatimes, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cũng đồng tình: "Hướng đi đúng đắn nhất mà thị trường bất động sản cần thực hiện là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Bổ sung nguồn cung nhà ở xã hội đến đúng đối tượng phải được xem là nhiệm vụ hàng đầu của thị trường bất động sản".
Trên thực tế, trong năm 2023, việc ưu tiên phát triển phân khúc nhà ở xã hội cũng đã được Chính phủ xác định và chủ động thực hiện nhiều chính sách bài bản, có lộ trình rõ ràng. Đơn cử như Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" hay triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để nguồn cung nhà ở xã hội thực sự cải thiện, Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội hay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là chưa đủ. Theo ông Phong, cần nhiều hơn các cơ chế, chính sách cho dòng sản phẩm này, đặc biệt là những ưu đãi cho chủ đầu tư.
Cụ thể, nên tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch để khắc phục tình trạng phát triển bất động sản một cách tự phát, lệch pha cung - cầu như những năm vừa qua; có phương án tích cực xử lý tình trạng các dự án bỏ hoang, khó thu hồi, ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung, quỹ đất xây nhà ở xã hội nói riêng; khuyến khích chuyển đổi từ căn hộ diện tích lớn sang diện tích nhỏ, dự án chung cư thương mại sang nhà ở xã hội.
Cùng với đó, nên tiếp tục miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; giảm 50% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp; chi phí mua hoặc thuê nhà ở cho công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp… Rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội.
Ngoài ra, nên giảm giá nhà ở xã hội trên cơ sở giảm bớt các khâu trung gian, tiết kiệm chi phí kinh doanh. Đồng thời, bảo đảm chất lượng nhà ở xã hội để kích cầu và bảo vệ quyền lợi người có thu nhập thấp và duy trì các động lực tích cực thúc đẩy thị trường này.
"Tất nhiên, sự nỗ lực phải đến từ nhiều phía, cả Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cả cộng đồng doanh nghiệp. Việc nhận thức tầm quan trọng của phát triển nhà ở xã hội và ưu tiên phát triển phân khúc này không đơn giản là giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp mà nhìn rộng ra còn là giải pháp để giúp thị trường phát triển cân bằng, bền vững", TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.