Du lịch nhiều địa phương khởi sắc trong dịp Tết Nhâm Dần
Với chiến lược thích ứng an toàn và tăng độ phủ vắc xin, hoạt động du lịch đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc, nhất là khi Việt Nam đang thực hiện lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế và nhiều chuyến bay trong nước được tăng cường, nhiều đường bay quốc tế đã được khôi phục trở lại. Số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh sau 2 năm gần như đóng băng. Du lịch tại nhiều địa phương đạt được những kết quả đáng khích lệ, là tiền đề cho Việt Nam có thể mở cửa hoạt động du lịch quốc tế trước mùa hè năm nay.
Trong dịp Tết Nguyên đán 2022, mặc dù các lễ hội không được tổ chức hoặc tổ chức giới hạn nhưng xu hướng người dân vẫn lựa chọn các điểm du lịch đền chùa, các di tích văn hóa để thăm quan và cầu năm mới bình an.
Chỉ riêng trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, số lượng khách du lịch tại nhiều địa phương tăng vọt so với kỳ nghỉ Tết nguyên đán năm 2021: Lâm Đồng đón hơn 300 nghìn lượt khách, tăng hơn 566%; Bà Rịa - Vũng Tàu đón khoảng 204 nghìn lượt khách, tăng 100,1%; Ninh Bình đón gần 180 nghìn lượt khách, tăng 35,5%; Hà Nội đón hơn 105 nghìn lượt khách; Lào Cai đón 86 nghìn lượt khách, vượt dự kiến hơn 15 nghìn lượt khách; Thừa Thiên Huế đón khoảng 63 nghìn lượt khách, tăng 269,7%, trong đó có hơn 800 lượt khách quốc tế; Đà Nẵng phục vụ gần 36 nghìn lượt khách, tăng 16,7%…
Nhiều điểm du lịch trên cả nước thu hút số lượng lớn du khách; hàng loạt cơ sở lưu trú lần đầu tiên kín phòng sau 2 năm điêu đứng vì đại dịch. Mặc dù du lịch những ngày đầu năm mới chủ yếu là hoạt động tự túc, gia đình, theo nhóm nhỏ nhưng cũng là tín hiệu tốt cho ngành du lịch phục hồi trong thời gian tới.
Bên cạnh sự sôi động của du lịch nội địa, du lịch quốc tế cũng đã có những bước khởi động tích cực. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng Hai tăng 49,6% so với tháng trước và tăng 169,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường không tăng 257%.
Nhiều du khách quốc tế đã lựa chọn Việt Nam do nhiều yếu tố như: Ngành du lịch triển khai chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ cuối tháng 11/2021 cùng chiến dịch truyền thông “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn ở Việt Nam); Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu đi lại, du lịch, thăm thân tăng cao; dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt nhờ chiến dịch bao phủ vắc xin ngừa COVID-19 và mũi tiêm tăng cường; các hoạt động kinh tế-xã hội đang dần phục hồi trong trạng thái bình thường mới với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt.
Nhờ du lịch khởi sắc, doanh thu dịch vụ lữ hành và lưu trú, ăn uống đã tăng so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành tháng Hai ước tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó một số địa phương tăng mạnh như: Hà Nội tăng 15,1%; Cần Thơ tăng 16,9%; Bình Thuận tăng 21,2%; Quảng Ninh tăng 29,9%; Bình Định tăng 39,1%; Khánh Hòa tăng 391,7%; Ninh Thuận tăng 332,0%; Đà Nẵng tăng 480%. Hoạt động du lịch trong nước bùng nổ là cú hích cho ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng Hai đạt được tốc độ tăng cao 12,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Hà Nội tăng 33,5%; Cần Thơ tăng 13,0%; Quảng Ninh tăng 27,6%; Lạng Sơn tăng 28,4%; Bình Định tăng 33,0%; Khánh Hòa tăng 41,1%; Phú Yên tăng 45,9%; Bắc Ninh tăng 58,1%; Lâm Đồng tăng 68,7%…
Mới đây, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022. Đến nay, sau khi đã dỡ bỏ gần hết các biện pháp phòng chống dịch, việc mở cửa trở lại du lịch đúng thời điểm không chỉ góp phần thu hút thêm nhiều du khách đến Việt Nam, tăng khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực, mà còn là cơ hội xây dựng được những thương hiệu và điểm đến hấp dẫn du khách trong cuộc đua mở cửa nền kinh tế và du lịch trên thế giới. Sau hai năm đóng cửa do đại dịch COVID-19, ngành “công nghiệp không khói” bắt đầu gượng dậy và kỳ vọng sẽ dần hồi sinh trong năm 2022.