Du lịch trực tuyến: Cơ hội còn bỏ ngỏ
Theo đánh giá của các chuyên gia thì đa số doanh nghiệp (DN) chủ yếu mới chỉ ứng dụng Internet vào liên hệ và quảng bá sản phẩm chứ chưa tận dụng lợi thế để phát triển du lịch trực tuyến.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, các nước có nền du lịch phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc đang phát triển mạnh du lịch trực tuyến và mang lại nguồn thu lớn. Ở Việt Nam, du lịch trực tuyến cũng đang tạo ra cơ hội mới giúp ngành du lịch có bước phát triển đột phá. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, do các DN về ngành du lịch ở nước ta còn có quy mô nhỏ, chưa đủ tiềm năng để ứng dụng và phát triển công nghệ quy mô lớn nên khó cạnh tranh với một số DN nước ngoài đang kinh doanh du lịch trực tuyến ở Việt Nam.
Trong cuộc CMCN 4.0 đang lan tỏa, ngành du lịch Việt Nam đang tận dụng tốt những lợi thế của CNTT để tạo ra những bứt phá. Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, công nghệ hiện đại đã giúp cho phương thức xúc tiến quảng bá trở nên đa dạng hơn và làm thay đổi phương thức đi du lịch, trải nghiệm của du khách. Phát triển du lịch trực tuyến, ứng dụng công nghệ trong các hoạt động du lịch trực tuyến sẽ mang lại lợi ích to lớn trong các khâu quảng bá, cung cấp dịch vụ… Đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách, tạo kết nối trực tiếp giữa các DN, giữa DN với du khách dễ dàng hơn.
Chính những đóng góp to lớn của du lịch trực tuyến mà lượng khách quốc tế biết và đến với Việt Nam tăng mạnh thời gian qua. Năm 2018 Du lịch Việt Nam đón được trên 15,5 triệu lượt khách quốc tế và đặt ra mục tiêu trong năm 2019 sẽ đón 103 triệu lượt khách, trong đó có 18 triệu khách quốc tế. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, ước tính số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 3 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 4,5 triệu lượt khách, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018.
Hiện nay, phát triển du lịch trực tuyến đang mang lại nhiều lợi thế trong kinh doanh và được rất nhiều các DN lữ hành trong nước quan tâm và phát triển. Đại diện Công ty Du lịch Vietravel cho biết, những năm gần đây, du lịch trực tuyến đã giúp Vietravel giảm thời gian, tăng khả năng quản trị, giảm công sức nhân viên cũng như ban quản lý, tăng doanh thu bán hàng. Đặc biệt tại lễ tôn vinh các danh hiệu du lịch 2018 mới đây, Vietravel đã nhận giải Công ty lữ hành có khách đặt tour trực tuyến nhiều nhất năm 2018.
Anh Nguyễn Thế Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, là người thường xuyên đi du lịch cả trong nước và nước ngoài, anh thường đặt tour du lịch thông qua mạng internet. Các thông tin chi tiết như thời gian, địa điểm, phòng nghỉ, vé máy bay đều được thông tin đến khách hàng nhanh chóng, thuận tiện cho việc lựa chọn. Cùng với đó là nhiều khuyến mại từ các DN lữ hành. Đây đang được cho là xu thế lựa chọn của các khách du lịch trong tương lai, anh Phương chia sẻ.
Là một trong những DN đầu tư mạnh về công nghệ nhằm phát triển mảng du lịch trực tuyến, Saigontouris đã phát triển các ứng dụng trên nền tảng di động giúp khách hàng dễ dàng sử dụng các dịch vụ cũng như đặt tour thông qua máy tính và điện thoại di động. Vì vậy mảng doanh thu từ du lịch trực tuyến của công ty cũng có sự tăng trưởng mạnh. Năm 2018, Lữ hành Saigontourist đã gặt hái kết quả kinh doanh ấn tượng khi phục vụ hơn 1,2 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, đạt mức doanh thu chuyên doanh lữ hành hơn 4.575 tỉ đồng với mức tăng trưởng 8%.
Theo đại diện Saigontourist, để phát triển mảng kinh doanh này, công ty liên tục tìm kiếm, kết nối với các đối tác cung cấp các dịch vụ du lịch online để tăng cường năng lực và sức cạnh tranh với các công ty khác trên thị trường. Saigontourist cũng được Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao giải thưởng “Công ty lữ hành có khách đặt tour trực tuyến nhiều nhất năm 2018” tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam lần thứ 4 (VITM 2019) vừa qua.
Trên thực tế, hầu hết các DN du lịch lớn, nhỏ trên cả nước đều đã xây dựng website riêng để quảng bá các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia thì đa số DN chủ yếu mới chỉ ứng dụng Internet vào liên hệ và quảng bá sản phẩm chứ chưa tận dụng lợi thế để phát triển du lịch trực tuyến. Nguyên nhân do chủ yếu các DN du lịch ở Việt Nam thường thiếu nguồn nhân lực và vốn nên hạn chế trong tiếp cận và đầu tư ứng dụng công nghệ...