Du lịch trực tuyến - Startup nội đấu ngoại

Theo Thái Hà/saigondautu.vn

Du lịch trực tuyến Việt Nam đang được xem là mảnh đất màu mỡ nên có khá nhiều DN nước ngoài tham gia. Song các startup Việt cũng không muốn đứng ngoài cuộc chơi này, họ đang âm thầm tạo dựng một nền tảng cho riêng mình để đấu với các ông lớn ngoại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tham vọng lớn

Thời gian gần đây cái tên Luxstay, nền tảng “chia sẻ nhà” giúp kết nối homestay, căn hộ cao cấp và biệt thự nghỉ dưỡng, ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm. Trước hết đó chính là sự quan tâm của nhiều quỹ đầu tư. Tính đến thời điểm này, sau khoảng gần 2 năm chính thức có mặt trên thị trường, Luxstay đã nhận được sự hậu thuẫn của các quỹ đầu tư như CyberAgent Ventures (Nhật Bản), Genesia Ventures (Nhật Bản), ESP Ventures (Singapore), Founders Capital (Singapore) và Nextrans (Hàn Quốc)… với số vốn nhiều triệu USD.

Điều này cũng phần nào minh chứng cho tiềm năng bùng nổ của Startup này trong tương lai. Hiện Luxstay đã nhanh chóng cán mốc hơn 3.000 chỗ ở là các homestay, biệt thự cao cấp trải dài trên nhiều TP, địa điểm du lịch tại Việt Nam. Nhiều người dùng cũng có những phản hồi khá tích cực khi đặt phòng qua Luxstay nhờ sự tuyển chọn khá kỹ lưỡng từ khâu đầu vào. 

Một người khổng lồ trong lĩnh vực này là Airbnb, một ứng dụng nổi tiếng trên toàn cầu. Tuy chưa chính thức vào Việt Nam, nhưng Airbnb cũng bắt đầu cho thấy sự hiện diện đáng chú ý của mình. Sẽ khó đoán trước cuộc đấu giữa một startup là Luxstay với một ông lớn là Airbnb sẽ khốc liệt ra sao khi Airbnb chính thức vào Việt Nam. Nhưng phía Luxstay với sự hậu thuẫn của nhiều nhà đầu tư, đã bày tỏ tham vọng sẽ đi nhanh hơn Airbnb ở thị trường Việt Nam.

Chia sẻ với báo chí ông Nguyễn Văn Dũng, nhà sáng lập Luxstay cho rằng: “Lợi thế lớn nhất của Luxstay là có thể tập trung đầu tư và phát triển, hoàn thiện sản phẩm. Trong khi các đơn vị nước ngoài thường coi Việt Nam là một thị trường nhỏ, có hạn mức đầu tư nhất định”. 

Trước Luxstay, một startup khác của Việt Nam cũng cho thấy tham vọng cạnh tranh với các ông lớn trong mảng đặt phòng khách sạn trực tuyến như booking, agoda… trên thị trường Việt Nam là Vntrip. Vntrip từng gây chú ý với việc kiện trang web đặt phòng nước ngoài Agoda trốn thuế tại thị trường Việt Nam, mang đến sự bất công cho các DN khác trong cùng lĩnh vực.

Hiện nay, để khẳng định thêm sức mạnh của mình, ngoài việc gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư ngoại, hồi tháng 9 vừa qua, Vntrip đã tuyên bố sáp nhập Atadi – đơn vị hàng đầu về cung cấp vé máy bay giá rẻ tại Việt Nam, vào hệ thống của mình. 2 startup trong mảng du lịch trực tuyến sáp nhập đang được kỳ vọng sẽ mang lại những bước tiến đột phá.

Cần hệ sinh thái hoàn chỉnh

Dễ thấy xu hướng du lịch hiện nay đang thay đổi nhanh chóng, thay vì đi tour khách du lịch thích tự đi, tự tìm kiếm thông tin, tự đặt phòng nghỉ ở các điểm đến. Đó cũng chính là lý do mà nhiều dự báo đã chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng ngành du lịch trực tuyến của Việt Nam giai đoạn 2018 -2020 sẽ tăng khoảng 50%, gấp đôi so với mức tăng trưởng của ngành thương mại điện tử. 

Trong một cuộc khảo sát với khách du lịch quốc tế vào năm 2017, có tới 71% du khách tham khảo thông tin điểm đến trên internet và 64% đặt chỗ và mua dịch vụ trực tuyến trong chuyến đi tới Việt Nam. Tiềm năng lớn nhưng sự chuyển động của toàn ngành vẫn khá chậm. Ngoài sự vào cuộc tích cực của các startup, sự chuyển động của các địa phương cũng như nhiều DN lữ hành truyền thống vẫn còn khá chậm chạp. 

Hiện mới chỉ có một vài TP lớn như TPHCM hay Đà Nẵng có sử dụng app du lịch để giới thiệu những điểm thăm quan, ăn uống, nghỉ ngơi cũng như các lễ hội cho du khách. Còn tại hầu hết những điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam vẫn chưa phát triển những app tương tự như vậy.

Để lấp vào khoảng trống này, cuối tháng 10 vừa qua, Tổng cục Du lịch đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Viettel, VTV và Công ty Phát triển công nghệ truyền thông Việt Nam, để triển khai cổng thông tin du lịch thông minh VTV travel. Thông qua VTV travel, du khách sẽ được tiếp cận kho dữ liệu khổng lồ về các điểm đến; video giới thiệu, quảng bá nét đặc sắc từng vùng, địa phương; được tư vấn thông tin theo địa lý dựa vào tính năng tự động xác định địa điểm qua định vị; nghe tư vấn lịch trình, chỉ đường, gợi ý các địa điểm ăn uống, nhà hàng, khách sạn, các sự kiện nổi bật thông qua chức năng gọi nghe nội dung tự động. 

Riêng với phần đông các DN lữ hành hiện nay du lịch trực tuyến dường như vẫn chỉ dừng lại ở quảng bá tour qua website, fanpage là chính, còn việc đẩy mạnh tiếp thị số, sử dụng CNTT cho hình thức du lịch trực tuyến vẫn còn khá hạn chế. Tất nhiên, bên cạnh việc cải tiến về CNTT để thúc đẩy du lịch trực tuyến, thì một vấn đề khác không kém phần quan trọng chính là du lịch Việt Nam phải giải quyết những bài toán cũ trong sản phẩm và dịch vụ du lịch ở từng địa phương. Có như vậy du lịch Việt Nam mới thực sự cất cánh.