Tìm giải pháp tái cấu trúc và phát triển ngành Du lịch Việt Nam

PV.

Trong 2 ngày 5-6/12/2018, tại Hà Nội sẽ diễn ra Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam. Sự kiện được tổ chức nhằm tìm giải pháp phát triển bền vững du lịch Việt Nam, giai đoạn 2018-2022, tầm nhìn đến năm 2030.

Du lịch Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển thành ngành kinh tế mũi
Du lịch Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển thành ngành kinh tế mũi

Du lịch Việt Nam trong những năm gần đây xác định là ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia được đầu tư phát triển và đã có những bước nhảy vọt: khách quốc tế tăng đến 30%; hàng loạt dự án nghỉ dưỡng được đầu tư, xây dựng; nhiều khu vui chơi, giải trí đẳng cấp thế giới xuất hiện...

Tuy nhiên, ngành Du lịch cũng đứng trước nhiều thách thức trong xu thế cạnh tranh hội, gắn với sự dịch chuyển của nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số.

Nhằm tìm các giải pháp, chiến lược để tái cấu trúc ngành và phát triển du lịch Việt Nam tới năm 2030 theo hướng chất lượng, bền vững, Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam diễn ra trong 2 ngày 5-6/12/2018 tại Hà Nội. Đây là sự kiện thứ 4 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF), do Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp cùng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB) và báo VnExpress thực hiện.

Diễn đàn là sự kiện gặp gỡ, đối thoại và hội đàm cấp quốc gia lần đầu tiên của ngành Du lịch; là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước nắm bắt toàn diện hơn các cơ chế, chiến lược, tiềm năng quốc gia cũng như những vấn đề còn tồn tại, thách thức cho sự phát triển của du lịch Việt Nam.

Theo đó, những nội dung được tập trung thảo luận tại Diễn đàn gồm: Tái cấu trúc ngành và phát triển du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng, bền vững; Quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia; Cải thiện chính sách Visa; Nâng cao năng lực quản lý điểm đến ; Hạ tầng hàng không; Thu hút đầu tư nước ngoài; Nhân lực ngành; Ứng dụng công nghệ cho phát triển và quản lý du lịch; Môi trường và quản lý chất lượng điểm đến.

Mục tiêu của phát triển du lịch Việt Nam được đưa ra tại Diễn đàn là trong 5 năm tới, tăng tỷ lệ đóng góp GDP trực tiếp của du lịch từ 7,5% năm 2017 lên 12% năm 2022; tạo ra thêm 3 triệu việc làm trực tiếp và 2,5 triệu việc làm gián tiếp; thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư cả trong và ngoài nước; nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.

Riêng trong năm 2018, Diễn đàn hướng tới 20 hợp đồng đầu tư được ký kết vào môi trường du lịch, hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch Việt Nam với tổng giá trị tầm 2 tỷ USD.

Tương tự các Diễn đàn Nông nghiệp, Diễn đàn Chính phủ số - Kinh tế số và Diễn đàn Thị trường Vốn – Tài chính vừa qua, kết quả của Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam sẽ được xem là thông tin đầu vào cho Diễn đàn Kinh tế Việt Nam diễn ra cuối năm nay có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ.