Dư nợ cho vay margin: Khối ngoại đang dần chiếm ưu thế

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Lợi nhuận từ hoạt động cho vay ký quỹ (margin) đang trở thành một trong những nguồn thu quan trọng nhất của các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, cục diện đang nghiêng về các công ty vốn ngoại khi dư nợ cho vay tại các đơn vị này đồng loạt tăng mạnh và tăng đều đặn qua các quý.

Dư nợ cho vay tại các công ty vốn ngoại đồng loạt tăng mạnh và tăng đều đặn qua các quý. Nguồn: Internet.
Dư nợ cho vay tại các công ty vốn ngoại đồng loạt tăng mạnh và tăng đều đặn qua các quý. Nguồn: Internet.

Nếu như những công ty chứng khoán (CTCK) dẫn đầu thị phần môi giới như: SSI, HSC, VNDS… có dư nợ cho vay ký quỹ lớn là điều có thể hiểu, thì việc những CTCK mới nổi như: Yuanta, KB, Mirae Asset, KIS Việt Nam… cũng có mặt trong nhóm margin cao, thậm chí còn có vị trí xếp hạng thuộc top đầu lại là điều đáng ngạc nhiên.

Dư nợ đạt 2,3 tỷ USD

Thị trường chứng khoán Việt Nam đi qua một nửa chặng đường của năm 2019 với mức thanh khoản sụt giảm mạnh, khối lượng giao dịch bình quân trên 3 sàn chứng khoán cơ sở chỉ đạt 220 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2018; giá trị giao dịch trung bình đạt 4.500 tỷ đồng/ phiên, giảm 44%.

Thanh khoản giảm, thị giá cổ phiếu diễn biến phân hóa, hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước hạ nhiệt đã ảnh hưởng đến các mảng kinh doanh của khối CTCK.

Thế nhưng, dù thanh khoản của thị trường "èo uột", nhu cầu vay của nhà đầu tư không hề suy giảm, bức tranh kết quả kinh doanh của các CTCK trong 6 tháng đầu năm trở nên bớt ảm đạm hơn nhờ lợi nhuận đến từ hoạt động cho vay.

Thống kê dư nợ cho vay tại 53 CTCK cho thấy, tính đến ngày 30/6/2019, các nhà đầu tư đã vay hơn 54.700 tỷ đồng (tương đương hơn 2,3 tỷ USD), tăng 8,6% so với cuối quý I/2019, 17% so với cuối năm 2018 và tăng đến 27% so với cuối quý II/2018 để mua cổ phiếu.

Ở vị trí dẫn đầu là CTCK SSI với tổng dư nợ cho vay đạt 6.287 tỷ đồng, tăng 5% so với quý I; tiếp đến là Mirae Asset với 5.000 tỷ đồng, tăng 40% so với đầu năm và gấp 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái.

Khoản này của KIS Việt Nam (KIS) và KB Việt Nam (KBSV) lần lượt là 2.526 tỷ đồng và 2.078 tỷ đồng, tăng 27,4% và 81% so với đầu năm.

Lợi nhuận từ cho vay và các khoản phải thu của của SSI trong 6 tháng đạt hơn 335 tỷ đồng – tiếp tục dẫn đầu; thu nhập từ lãi cho vay và phải thu tại KIS tăng 60,2% so với cùng kỳ, đạt 92,6 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận đến từ margin là 52 tỷ đồng, tăng 28% so với quý I và 80% so với cùng kỳ.

Đóng góp chủ yếu vào sự bứt phá về lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2019 của Mirae Asset là lãi vay, phải thu đạt 222,6 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ, bù đắp cho doanh thu môi giới giảm 42,5%, hoạt động tự doanh thua lỗ.

Các CTCK ngoại đang có lợi thế về lãi suất margin
Các CTCK ngoại đang có lợi thế về lãi suất margin
 

Lợi thế của khối ngoại

Tương tự, lãi cho vay, phải thu 6 tháng đầu năm của KBSV đạt 82,6 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm ngoái; trong đó lợi nhuận cho vay margin ghi nhận 48 tỷ đồng, tăng 40% so với quý I và 159% so với cùng kỳ; Yuanta Việt Nam cũng có mức tăng trưởng tại hoạt động margin là 27% so với quý I và 222% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân của việc cho vay margin không hề "giảm nhiệt" trong bối cảnh thị trường cổ phiếu kém hấp dẫn được cho là do nhu cầu vay dồi dào của các nhóm nhà đầu tư lớn cũng như nhóm các lãnh đạo, cổ đông lớn của các doanh nghiệp niêm yết.

Thực tế, nhìn vào dư nợ cho vay đến ngày 30/6/2019 của các CTCK nội lớn có thể thấy xu hướng chung là tăng trưởng. Cụ thể, dư nợ cho vay tại SSI, HCM, MBS tăng lần lượt 12,6%, 55%, 23,2% so với một năm trước. Tuy nhiên, thu nhập từ cho vay và phải thu lại giảm, thay vì tăng trưởng như nhóm CTCK có vốn ngoại.

Vậy, lợi thế của các CTCK vốn ngoại là gì? Nếu theo sát thị trường trong thời gian qua có thể thấy hoạt động tăng vốn điều lệ của nhóm CTCK này khá mạnh mẽ, đồng thời được hưởng lãi suất ưu đãi khi đi vay từ tập đoàn mẹ hoặc bảo đảm vay ngoại tệ với lãi suất thấp hơn VND, dao động 3 – 5%/năm.

Trong khi đó, các CTCK nội chủ yếu huy động nguồn vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vay ngắn hạn ngân hàng với mức lãi suất phổ biến từ 5,5% đến hơn 7%/năm. Lợi thế về dòng vốn rẻ đã giúp dư địa cho vay tại các CTCK ngoại tăng và tận dụng được dòng vốn margin dịch chuyển (nhiều mã cổ phiếu tốt chạm hạn mức cho vay của CTCK nội).

Ngoài ra, mức lãi suất cho vay cạnh tranh cũng là một yếu tố giúp nhóm các CTCK ngoại thu hút khác hàng, kéo dư nợ cho vay tăng mạnh và đều đặn qua các quý. Hiện, lãi suất cho vay margin tại các CTCK nội là 12-14%/ năm, trong khi các CTCK ngoại dao động quanh mức 10%/năm.

Theo giám đốc phân tích của một CTCK ngoại, đa số những tài khoản nắm giữ lượng lớn cổ phiếu và thường xuyên có giao dịch đều sử dụng margin. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm điểm và thanh khoản thấp, các tài khoản này sẽ ưu tiên tìm đến các CTCK có lãi suất margin thấp.

Theo đó, sự dịch chuyển tài khoản ở nhóm CTCK có lãi suất margin cao sang CTCK có chính sách lãi suất thấp hơn là điều tất yếu, yếu tố quy mô của CTCK sẽ được bỏ qua. Kết quả của sự dịch chuyển này sẽ khiến các CTCK ngoại gia tăng cả về thị phần tại hầu hết các hoạt động.

Thực tế cho thấy, trong quý II vừa qua, theo bảng thị phần môi giới do HoSE công bố, nhiều CTCK nội như SSI, Chứng khoán Bản Việt, VnDirect, MBS… ghi nhận mức giảm trung bình 1%, trong khi Mirae Asset lại bứt phá mạnh mẽ với mức tăng 3,69% lọt danh sách 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất.