Chu kỳ mới của thị trường M&A Việt Nam: Khối ngoại chiếm ưu thế

Theo Nam Phương/doanhnhansaigon.vn

Ước tính tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 đạt gần 5,43 tỷ USD, trong đó bao gồm gần 2,8 tỷ USD từ các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam và khoảng 2,64 tỷ USD nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam.

Ước tính tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 đạt gần 5,43 tỷ USD. Nguồn: internet
Ước tính tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 đạt gần 5,43 tỷ USD. Nguồn: internet

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 11 sẽ diễn ra vào ngày 6/8/2019.  Đây là Diễn đàn thường niên do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ được tổ chức đã 10 năm. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có nhiều cải thiện về môi trường đầu tư, hoạt động M&A đã góp phần nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. M&A trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần làm đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

10 năm, M&A đạt tổng giao dịch 50 tỷ USD

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho biết, sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt gần 50 tỷ USD, thị trường M&A Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội mới. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng GDP ước đạt 6,76%. Nền kinh tế Việt Nam đã duy trì và tiếp nối được đà tăng trưởng và phát triển tích cực của năm 2018, kết quả đạt khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Kinh tế vĩ mô duy trì được sự ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, thu hút đầu tư nước ngoài tích cực, số doanh nghiệp mới thành lập tiếp tục được gia tăng…

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam vẫn đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Những chuyển động chính sách gần đây như dự thảo sửa đổi, bổ sung một số luật quan trọng (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán), việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, EVIPA… được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có dòng vốn đầu tư thông qua hình thức M&A.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”. Căn cứ trên Đề án này, Bộ Chính trị sẽ lần đầu tiên ban hành nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới. 

“Tất cả những yếu tố trên đang mở ra những cơ hội để thị trường M&A Việt Nam có bước đột phá”, Thứ trưởng Võ Thành Thống nhấn mạnh.

Sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản là lĩnh vực M&A sôi động nhất

Các lĩnh vực M&A sôi động nhất trong giai đoạn 2018-2019 tập trung lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Các thương vụ đáng chú ý cũng tập trung trong các ngành tài chính tiêu dùng, bán lẻ, thủy sản, logistics, giáo dục… Điểm chung là trong giai đoạn này là tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài đều áp đảo nhà đầu tư trong nước. Năm 2018 đánh dấu sự khởi sắc của dòng vốn từ Hàn Quốc với những thương vụ đầu tư lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Singapore, Hồng Kông, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A tại Việt Nam.

Dự báo năm 2019, giá trị M&A có thể đạt mốc 6,7 tỷ USD, bằng 88,16% so với 2018. Những thương vụ đình đám có thể kể đến đó là SK Group đến từ Hàn Quốc thành cổ đông lớn của Vingroup sau thương vụ tỷ USD mới đây không chỉ là động lực thúc đẩy thị trường M&A bước sang một giai đoạn mới, mà còn được kỳ vọng sẽ là “điểm tựa”, sức bật để khối doanh nghiệp Nhà nước, khối doanh nghiệp tư nhân tiếp tục thực hiện các thương vụ M&A hiệu quả cao, quy mô lớn. Thương vụ KEB Hana Bank chi 885 triệu USD mua 15% cổ phần của Ngân hàng BIDV ngày 22/7/2019 vừa qua cũng rất đáng quan tâm. Đây là thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử ngành ngân hàng Việt.

“Song để thị trường bứt phá đòi hỏi Chính phủ và các bên liên quan phải có sự quyết tâm và thay đổi mạnh mẽ nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư - kinh doanh, khơi thông dòng vốn chảy trong nước và quốc tế vào lĩnh vực M&A”, ông Lê Trọng Minh - Tổng biên tập Báo Đầu tư nói.

Ngoài ra, vẫn còn đó những thách thức phải đối mặt đến từ các yếu tố khách quan cũng như nội tại nền kinh tế Việt Nam. Đó là sự thay đổi chính sách thương mại quốc tế của Mỹ, Trung Quốc. Hay như các trở ngại từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, chất lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn, những rào cản chính sách còn chưa được khơi thông của nền kinh tế Việt Nam.