Khối ngoại đã mua ròng trở lại
Sau những phiên bán ròng lớn trong tháng 5 khi thị trường sụt giảm mạnh, các nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa đầu tháng 6.
Nhà đầu tư nước ngoài lại rót vốn ròng
Kết thúc tuần qua, VN-Index nằm tại 953 điểm, giảm gần 4,7 điểm so với tuần trước và đánh dấu mức giảm gần 6,3 điểm so với cuối tháng 5/2019. Dù vậy, điều đó không ngăn cản được động thái mua ròng trở lại của khối ngoại với hơn 314 tỷ đồng, đánh dấu tuần thứ hai mua ròng liên tiếp.
Tính từ đầu tháng 6 đến phiên cuối ngày 14/6/2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 560 tỷ đồng trên cả ba sàn, trong đó riêng sàn HoSE mua ròng hơn 497 tỷ đồng. Việc khối ngoại quay trở lại mua ròng trong bối cảnh thị trường ảm đạm, với khối lượng giao dịch suy yếu, đã phần nào hỗ trợ tâm lý cho các nhà đầu tư nội vốn đang rất bi quan sau những đợt sụt giảm mạnh vừa qua.
Đáng lưu ý là các quỹ đầu tư tại thị trường Việt cũng hút tiền trở lại, khi dòng tiền ngoại đổ mạnh vào các chứng chỉ quỹ trong nửa đầu tháng 6. Theo số liệu từ IndexUniverse, chỉ riêng tuần đầu tiên của tháng 6/2019, 8,8 triệu USD đã được bơm vào VanEck Vectors Vietnam ETF.
Nếu thống kê từ đầu tháng đến nay, khối ngoại đã mua ròng hơn 41,5 triệu chứng chỉ Quỹ VFMVN30 ETF, với gần 600 tỷ đồng, trong đó ba phiên liên tiếp là ngày 7, 10 và 11/6/2019 mua ròng lần lượt là 139 tỷ đồng, 104 tỷ đồng và 118 tỷ đồng. Động thái mua ròng liên tiếp trên đã đẩy khối lượng giao dịch bình quân của E1VFVN30 trong nửa đầu tháng này lên hơn 4,7 triệu chứng chỉ/phiên.
Mục tiêu của Quỹ ETF VFMVN30 là mô phỏng gần nhất có thể về biến động của chỉ số tham chiếu VN30, nên việc khối ngoại mua ròng chứng chỉ quỹ này thể hiện kỳ vọng đối với diễn biến của rổ VN30 trong thời gian tới là rất lớn. Nhờ việc hút ròng vốn mạnh mẽ gần đây, tính đến ngày 13/6/2019, giá trị danh mục của VFMVN30 ETF là gần 6.330 tỷ đồng, tương đương 272 triệu USD và là quỹ nội lớn nhất thị trường (quỹ cổ phiếu). Quy mô danh mục VFVMVN30 ETF hiện đã xấp xỉ Quỹ ETF lâu đời tại thị trường Việt Nam là FTSE Vietnam ETF (291 triệu USD).
Nhờ đâu?
Nếu như tỷ giá biến động mạnh trong cuối tháng 4 và tháng 5/2019 đã ít nhiều gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy bán ròng của khối ngoại, thì việc tỷ giá ổn định trở lại trong thời gian gần đây đã hỗ trợ cho việc mua ròng.
Về cơ bản, nhà đầu tư nước ngoài khi rót vốn vào thị trường Việt Nam sẽ chuyển từ đồng USD sang tiền đồng và khi rút vốn sẽ chuyển ngược lại tiền đồng sang ngoại tệ. Do đó, rủi ro tỷ giá luôn là một trong những yếu tố quan trọng nhất tác động lên hành vi của khối ngoại, vì nếu tiền đồng bị mất giá quá mạnh thì có thể xóa sạch lợi nhuận đạt được từ đầu tư.
Tuy nhiên, sau khi tỷ giá có những thời điểm “nổi sóng” trong tháng trước, kể từ đầu tháng 6/2019 đến nay, giá USD đã bình ổn trở lại, nên nhà đầu tư nước ngoài tự tin mua vào trên thị trường chứng khoán.
Diễn biến đồng USD trên thị trường quốc tế suy yếu cũng góp phần giảm áp lực lên tỷ giá ở Việt Nam, cũng như tác động tích cực lên tâm lý các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể sau khi bứt phá lên trên mốc 98 điểm vào cuối tháng 5, chỉ số USD Index hiện nằm quanh vùng 97 điểm, sau khi rớt về tận 96,5 điểm vào cuối tuần trước.
Kỳ vọng vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể đảo ngược chính sách tiền tệ bằng cách giảm lãi suất cơ bản đồng USD và như vậy sẽ ảnh hưởng tích cực lên các thị trường tài chính và tâm lý của các nhà đầu tư quốc tế. Cũng cần biết rằng khi FED giảm lãi suất và nới lỏng tiền tệ, một lượng thanh khoản rẻ lại bơm vào thị trường và dòng vốn này có thể rót trở lại các nền kinh tế mới nổi và phát triển.
Dù vậy, không phải thị trường nào cũng có thể được hưởng lợi. Đơn cử như thị trường Trung Quốc, với những thiệt hại có thể phải đón nhận trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay, theo đó cả dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp đều tháo lui, vì vậy những nền kinh tế kề cận có thể trở thành điểm đến thay thế. Hay nói cách khác, dòng vốn từ Trung Quốc đổ sang Việt Nam hoặc các nước khác có thể không chỉ dừng lại ở việc chuyển dịch nhà máy, cơ sở sản xuất mà còn là dòng vốn đầu tư gián tiếp.
Riêng thị trường chứng khoán Việt Nam, kỳ vọng về khả năng nâng hạng trong tương lai gần là vẫn rất lớn. MSCI (công ty chuyên cung cấp các công cụ phân tích thị trường tài chính và xây dựng các chỉ số tham chiếu cho các nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu) ghi nhận một số thay đổi của Việt Nam, như thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam sở hữu cả HoSE và HNX, triển khai mô hình đối tác thanh toán trung tâm cho VSD, áp dụng hình thức lệnh giao dịch mới, tăng thời gian giao dịch và mở rộng biên độ giá.
Trong đánh giá cụ thể về mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối, MSCI đã không còn lưu ý về thanh khoản thấp của thị trường như báo cáo năm 2018. Theo đó, cơ hội nâng hạng vẫn rất lớn vào năm 2020, do đó dòng vốn ngoại có thể rót vào mạnh mẽ để đón đầu là có cơ sở.