Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi không “mâu thuẫn” Luật Các tổ chức tín dụng

Hoàng Minh

Việc sửa đổi, bổ sung quy định ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng thương mại nước ngoài làm thành viên bù trừ dựa trên nghiên cứu, đánh giá theo thông lệ quốc tế và các quy định pháp luật về tổ chức tín dụng.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán giúp tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán giúp tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Phù hợp thông lệ quốc tế

Theo các chuyên gia chứng khoán, việc sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 56 của Luật Chứng khoán sẽ bảo đảm ngân hàng thương mại tham gia mô hình đối tác thanh toán trung tâm (CCP) với vai trò là thành viên bù trừ trên thị trường chứng khoán cơ sở là phù hợp thông lệ quốc tế. Bởi tiền, chứng khoán không phải chuyển sang công ty chứng khoán mà chỉ cần chuyển giao vào ngày thanh toán, đáp ứng nguyên tắc chuyển giao chứng khoán đồng thời với thanh toán tiền (DVP).

Do đó, khi các ngân hàng lưu ký được làm thành viên bù trừ sẽ đáp ứng tiêu chí đảm bảo an toàn tài sản cho nhà đầu tư nước ngoài, thu hút thêm dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam, thuận lợi cho việc triển khai cơ chế CCP. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để duy trì xếp hạng thị trường chứng khoán sau khi được nâng hạng, góp phần phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam an toàn, hiệu quả, bền vững.

Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, theo thông lệ quốc tế, cũng như quy định pháp luật chứng khoán hiện hành, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) khi thực hiện mô hình CCP sẽ đảm bảo thanh toán cho các bên tham gia giao dịch của thị trường.

 

Việc các ngân hàng thương mại làm thành viên bù trừ trong cơ chế CCP cũng thể hiện rõ chính sách thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài lớn như các quỹ đầu tư toàn cầu thực hiện đầu tư gián tiếp vào Việt Nam.

Thành viên bù trừ của VSDC (gồm công ty chứng khoán và ngân hàng lưu ký) sẽ chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của khách hàng với VSDC. Trường hợp thành viên bù trừ không thực hiện được nghĩa vụ của mình, thì VSDC sẽ là bên chịu trách nhiệm thanh toán cuối cùng. Do đó, các rủi ro thanh toán đặt ra đối với VSDC và các thành viên bù trừ (nếu có) sẽ được kiểm soát và quản lý chặt chẽ thông qua các cơ chế phòng ngừa và hỗ trợ khắc phục rủi ro theo quy định pháp luật chứng khoán hiện hành.

“Trên thực tế, mặc dù hầu hết các thị trường trong khu vực và quốc tế đã triển khai CCP nhưng rủi ro đối với chính CCP và các thành viên bù trừ rất hiếm khi được ghi nhận”, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định.

Đảm bảo đúng nghiệp vụ

Việc tham gia làm thành viên bù trừ trên hệ thống CCP được hiểu là quyền cung cấp dịch vụ chứ không phải nghĩa vụ thực hiện bắt buộc của ngân hàng thương mại.

Do vậy, để triển khai nghiệp vụ này, ngân hàng thương mại có thể chủ động kiểm soát rủi ro thông qua việc đánh giá tín nhiệm, khả năng và tiêu chí của ngân hàng đối với khách hàng để cung cấp dịch vụ cho khách hàng trong hạn mức cho phép (ngân hàng có quyền quyết định giá trị, số lượng tài sản ký quỹ mà khách hàng phải nộp trước khi giao dịch từ 0 đến 100% tùy theo mức độ tín nhiệm của khách hàng).

Thực thi CCP để tăng sức mua cho nhà đầu tư chứng khoán.
Thực thi CCP để tăng sức mua cho nhà đầu tư chứng khoán.

Ngân hàng Nhà nước cũng có những quy định hiện hành để giới hạn mức cho vay tối đa đối với hoạt động đầu tư kinh doanh chứng khoán. Do vậy, ngân hàng thương mại khi tham gia hoạt động làm thành viên bù trừ trên hệ thống CCP vẫn phải đáp ứng đầy đủ các quy định này.

Bên cạnh đó, thành viên bù trừ không phải là hoạt động đầu tư (theo đúng nghĩa là tham gia giao dịch mua, bán chứng khoán) của các ngân hàng. Đây chỉ là nghiệp vụ về mặt kỹ thuật trong hoạt động bù trừ thanh toán chứng khoán (xử lý chứng khoán trong quá trình thanh toán với tư cách thành viên bù trừ trung tâm).

Khi ngân hàng lưu ký làm thành viên bù trừ có thể phát sinh trường hợp phải vay, mua chứng khoán trên tài khoản tự doanh do sửa lỗi sau giao dịch đối với lệnh bán, mua chứng khoán bị lỗi mà không phải hoạt động kinh doanh chứng khoán theo kế hoạch, chiến lược của ngân hàng. Do đó, đây không phải là hoạt động kinh doanh chứng khoán mà các ngân hàng thương mại đang thực hiện qua công ty con của mình theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Việc các ngân hàng thương mại làm thành viên bù trừ trong cơ chế CCP cũng thể hiện rõ chính sách thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài lớn như các quỹ đầu tư toàn cầu thực hiện đầu tư gián tiếp vào Việt Nam. Hiện nay, theo các quy định của EU và Mỹ, tài sản của nhà đầu tư phải được quản lý tại các ngân hàng lưu ký mà không được phép chuyển sang chủ thể như công ty chứng khoán, cho dù chỉ là phục vụ mục đích thanh toán.

Việc quy định rõ hơn tại Luật Chứng khoán đồng nghĩa với việc ghi nhận đây là quyền của ngân hàng thương mại để các đối tượng này có quyền được làm thành viên bù trừ.

Giải pháp này cũng giúp cơ chế bù trừ thanh toán của thị trường chứng khoán Việt Nam tương đồng với cơ chế bù trừ thanh toán của nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới. Theo báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới vào tháng 12/2020, việc được nâng hạng sẽ thu hút thêm dòng vốn ngoại gián tiếp ròng khoảng 7,2 tỷ USD vào Việt Nam một năm, dòng vốn này chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư và nhà đầu tư tổ chức nước ngoài lớn trên thế giới.