Dự thảo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên: Có hạn chế được vi phạm?

Theo Đình Khoa/daibieunhandan.vn

Khảo sát của Bộ Tư pháp cho thấy, có đến 61% ý kiến cho rằng, một bộ phận đấu giá viên vẫn vi phạm và nguyên nhân là do không coi trọng đạo đức nghề nghiệp. Liệu dự thảo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên có góp phần giải quyết được vấn đề trên?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
1/2 chưa qua đào tạo
Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về đấu giá tài sản đã thắt chặt hơn điều kiện của doanh nghiệp (DN) bán đấu giá tài sản, nhưng số lượng DN bán đấu giá tài sản không vì vậy mà giảm đi, ngược lại số lượng DN bán đấu giá tài sản còn tăng lên đáng kể.
Đến nay, trên toàn quốc có gần 200 DN bán đấu giá tài sản đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP. Hầu hết các địa phương đều có DN hoặc chi nhánh DN trên địa bàn nên người có tài sản có thể dễ dàng lựa chọn DN bán đấu giá tài sản hoặc trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản để thực hiện việc bán đấu giá. Số lượng đấu giá viên cũng đã có sự phát triển đáng kể.
Hiện nay trên toàn quốc có tổng cộng hơn 1.200 người được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá. Trong đó bao gồm 583 người được cấp thẻ đấu giá viên theo quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP và 617 người được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá theo quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP. Tuy nhiên, gần 1/2 số đấu giá viên chưa qua đào tạo nghề; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế.
Bên cạnh đó, một bộ phận đấu giá viên mặc dù có qua đào tạo nghề nhưng còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề. Việc chủ động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức pháp luật liên quan đến bán đấu giá tài sản một cách thường xuyên chưa được nhiều đấu giá viên coi trọng.

Điều đáng quan tâm, có khoảng gần 1/2 số người được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá đang hành nghề tại tổ chức đấu giá; số người được cấp chứng chỉ còn lại không hành nghề đấu giá trong thực tế.

Theo số liệu khảo sát của Bộ Tư pháp tại 24 tỉnh, thành phố trong cả nước thì trong số 399 đấu giá viên đang hành nghề tại các địa phương, có 99 đấu giá viên (chiếm 25% tổng số đấu giá viên) đang làm việc tại các trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và 300 đấu giá viên (chiếm 75% tổng số đấu giá viên) đang làm việc tại các DN bán đấu giá tài sản.

Phần lớn đấu giá viên làm việc tại các trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đã tốt nghiệp đại học ngành luật (khoảng 70%), tốt nghiệp ngành kinh tế và một số ngành nghề khác (khoảng 30%).

Đối với các DN bán đấu giá tài sản, hơn 80% tổng số doanh nghiệp bán đấu giá hiện nay vừa thực hiện hoạt động bán đấu giá vừa kinh doanh các ngành nghề khác. Vì vậy, đấu giá viên thường kiêm nhiệm công việc khác như luật sư, kỹ sư, nhân viên kinh doanh...

Chưa coi trọng đạo đức nghề nghiệp

Kết quả khảo sát đánh giá về hiện trạng vi phạm pháp luật của đấu giá viên tại các tổ chức đấu giá do Bộ Tư pháp thực hiện cho thấy, 61% ý kiến cho rằng một bộ phận đấu giá viên vẫn còn vi phạm và nguyên nhân vi phạm hoạt động bán đấu giá là do không coi trọng đạo đức nghề nghiệp. Nhiều đấu giá viên có nhận thức chưa đầy đủ về nghề đấu giá, chưa thực sự coi trọng đạo đức nghề nghiệp khi hành nghề.

Một bộ phận đấu giá viên chưa có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng nên còn có tình trạng vi phạm pháp luật. Điều này đã tác động rất lớn đến chất lượng đội ngũ đấu giá viên và hiệu quả hoạt động bán đấu giá tài sản. Chính vì thế, Bộ Tư pháp đang soạn thảo Quy tắc đạo đức nghề đấu giá viên nhằm điều chỉnh những chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử của đấu giá viên trong hành nghề.

Dự thảo đã quy định các hành vi ứng xử của đấu giá viên trong các mối quan hệ với đồng nghiệp, khách hàng, người tham gia đấu giá, tổ chức đấu giá... Đặc biệt, dự thảo Quy tắc quy định đấu giá viên không được thông đồng, móc nối, nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người tham gia đấu giá tài sản để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản...

Liên quan đến việc tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tuân thủ Quy tắc đạo đức nghề đấu giá viên, dự thảo giao trách nhiệm cho Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên.

Thực tế, việc giám sát, xử lý đấu giá viên khi có hành vi vi phạm Quy tắc đạo đức nghề đấu giá viên thuộc chức năng của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên căn cứ trên điều lệ của tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay do tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên chưa được thành lập, nên việc xem xét các hành vi vi phạm cũng như vinh danh các đấu giá viên, đều giao cho cơ quan quản lý. Điều này vô hình chung tạo gánh nặng cho các cơ quan quản lý, nhất là ở các địa phương. Hiện nay, toàn quốc mới chỉ có TP. Hà Nội thành lập được Hội đấu giá viên.