Dự trữ ngoại hối lập kỷ lục mới, gần 63 tỷ USD
Như vậy, trong hơn 2 năm qua dự trữ ngoại hối đã tăng thêm 32 tỷ USD...
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018 tổ chức chiều 3/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tính đến hết tháng 4 năm 2018, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt gần 63 tỷ USD. Như vậy, trong hơn 2 năm qua chúng ta đã mua thêm 32 tỷ USD.
Người phát ngôn Chính phủ cũng cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,08% so với tháng trước, bình quân 4 tháng tăng 2,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 4,8%), lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,62%). Mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định.
Chỉ số sản xuất công nghiệp IPP tính chung cả 4 tháng ước tăng 11,4%, cao hơn so với mức tăng của 4 tháng năm 2017 (6,6%), trong đó, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14%.
Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đà phát triển với nhiều tín hiệu tốt, ngay trong những tháng đầu năm, nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn đã được ký kết, tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng qua đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%.
Xuất siêu tiếp tục duy trì ở mức 3,39 tỷ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Ngoài việc tiếp tục tăng trưởng mạnh xuất khẩu, chúng ta đã có bước tiến quan trọng trong điều tiết nhập khẩu, đặc biệt nhập siêu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Chính phủ cho rằng, nền kinh tế nước ta vẫn còn những hạn chế, khó khăn, thách thức.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định chưa thật vững chắc. Mặc dù chỉ số CPI 4 tháng đầu năm tăng thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó có xu hướng giá dầu thô tăng (giá dầu có lúc đạt đến 72 USD/thùng, cao nhất từ cuối năm 2014).
Giải ngân vốn đầu tư công thấp (4 tháng vốn giải ngân chỉ đạt 16,4% dự toán, cùng kỳ năm 2017 đạt 22,3% dự toán).
Môi trường đầu tư kinh doanh cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, nhiều chỉ số của môi trường kinh doanh còn có thứ hạng thấp trong bảng xếp hạng toàn cầu như gia nhập thị trường, phá sản doanh nghiệp. Cả nước có trên 41.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ. Có trên 26.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, số doanh nghiệp giải thể gần 4.700, tăng 15,8% so với cùng kỳ.
Vốn FDI đăng ký mới có xu hướng giảm trong bối cảnh Mỹ và các đối tác giảm mạnh thuế suất thu nhập doanh nghiệp và thực hiện các chính sách thu hút đầu tư về nước. Mặc dù vốn FDI thực hiện tiếp tục tăng 6,3%, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 67%, nhưng vốn đăng ký cấp mới giảm 27,2% so với cùng kỳ, vốn đăng ký tăng thêm giảm 48,6% so với cùng kỳ.