Dự trữ tài sản nước ngoài ròng của Anh “bốc hơi”
Các số liệu cập nhật mới nhất của Cơ quan thống kê Anh (ONS) vừa được công bố cho thấy, gần nửa nghìn tỷ bảng tài sản ròng, tương đương 25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh, bị “bốc hơi” trong khi các cuộc đàm phán Brexit đang bước vào giai đoạn quan trọng.
Theo Sách Xanh của ONS, đầu tư (vào các tài sản) nước ngoài của nước Anh đã chuyển từ trạng trái thặng dư 469 tỷ Bảng (621,8 tỷ USD), sang thâm hụt ròng 22 tỷ Bảng (29 tỷ USD). Giới chuyên gia đánh giá sự thay đổi này sẽ làm thay đổi triển vọng của đồng Bảng Anh cũng như thị trường trái phiếu kho bạc nước này trong thời gian tới.
Điều khiến người ta lo ngại là đồng Bảng Anh và trái phiếu kho bạc có thể sẽ không có được sự hỗ trợ từ các yếu tố bên ngoài như trước, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu đang rục rịch thắt chặt chính sách tiền tệ cũng như rút lại các chương trình nới lỏng định lượng (QE).
Ngân hàng Bank of New York Mellon - hiện “trông nom” khối tài sản lên tới 31.000 tỷ USD cho hay, trong những tuần gần đây, các hoạt động mua tài sản yết giá bằng đồng Bảng của các công ty đầu tư bằng “tiền thực” như các các quỹ lương hưu và các quỹ đầu tư quốc gia có phần giảm sút đáng kể.
Nhà chiến lược tiền tệ của Bank of New York Mellon, ông Simon Derrick xác nhận dòng vốn chảy khỏi nước Anh bắt đầu diễn ra từ giữa tháng 8 và các quỹ đầu tư lớn dường như đang rút khỏi thị trường này.
Tuy nhiên, hoạt động mua đồng Bảng của các quỹ đầu cơ trước dự báo Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ tăng lãi suất đã phần nào hạn chế chiều hướng chảy vốn nói trên. Giới đầu cơ trên Sở giao dịch hàng hóa Chicago đã chuyển từ thế đầu cơ giá xuống sang đầu cơ giá lên, với 19.949 hợp đồng được thực hiện. Điều đáng quan ngại là nếu lịch sử 40 năm trước lặp lại, đồng bảng có thể giảm thêm tới 20%.
Trong khi đó, theo Bank of America, số liệu mới điều chỉnh của ONS cũng cho thấy nước Anh trở nên “mong manh” hơn, trong bối cảnh London đang tìm cách “vá” thâm hụt tài khoản vãng lai hiện ở mức 4,6% GDP. Thống đốc BoE Mark Carney từng cảnh báo những nguy cơ nảy sinh từ việc nước Anh phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài để thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hiện đang giữ một vai trò lớn trong việc làm giảm thâm hụt tài khoản vãng lai. Số liệu của ECB cho thấy lượng mua ròng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đối với nợ của Anh đứng ở mức 68,7 tỷ Bảng (80,9 tỷ USD) trong quý II/2017.
Thị trường trái phiếu kho bạc cũng như đồng Bảng Anh khó tránh bị ảnh hưởng, trong trường hợp ECB giảm quy mô chương trình mua trái phiếu từ 60 tỷ Euro (71 tỷ USD) xuống gần 30 tỷ Euro (35 tỷ USD), trước khi ngân hàng này dự kiến khép lại chương trình QE vào cuối năm 2018.