Đưa chống chuyển giá vào Luật Đầu tư

Theo Huyền Trang/enternews.vn

Luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội khẳng định, hành lang pháp lý trong công tác chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng ở các văn bản dưới luật, còn nhiều lỗ hổng...

Cơ quan thuế các cấp cần tăng cường thanh tra giá chuyển giao, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế. Nguồn: Internet
Cơ quan thuế các cấp cần tăng cường thanh tra giá chuyển giao, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế. Nguồn: Internet

PV. Theo LS, chúng ta có nên đưa vấn đề chống chuyển giá vào Luật đầu tư không, thưa bà? Vì sao?

Luật sư Nguyễn Thị Thu
Luật sư Nguyễn Thị Thu

Luật sư Nguyễn Thị Thu: Chuyển giá là sự kết cấu về giá cả xuyên quốc gia và chỉ có thể thực hiện được khi có cấu kết giữa các công ty độc lập giữa các quốc gia đầu tư và tiếp nhận đầu tư để đưa ra mức giá hàng hóa, dịch vụ cao hơn nhiều giá trị thực và cao hơn giá bình thường, nhằm tránh thuế thu nhập doanh nghiệp, tránh quy định về chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, thu hồi vốn đầu tư nhanh.

Hành vi chuyển giá của một số doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sẽ để lại các hậu quả xấu trong hoạt động của khu vực FDI, như làm thất thu ngân sách, cạnh tranh không lành mạnh, tạo sức ép lên các doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế…, nhưng từ việc xác định có hiện tượng, có hành vi chuyển giá để đi đến một quyết định có tính pháp lý là một việc cực kỳ khó. Ở thời điểm hiện tại, các văn bản dưới luật chưa giải quyết được nên việc đưa vấn đề này vào Luật là điều cần thiết.

Vấn đề chống chuyển giá đã sơ hở từ khâu cấp phép khi Luật Đầu tư chỉ đưa ra khái niệm “vốn đầu tư” mà chưa có quy định về “tài sản hình thành sau đầu tư” dẫn đến tình trạng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giá thông qua tài sản góp vốn.

Bà có thể giải thích rõ hơn điều này?

Thời gian qua Việt Nam đã rất nỗ lực xây dựng và ban hành nhiều chủ trương và chính sách nhằm thiết lập và dần dần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước, tạo những cơ sở pháp lý nhất định cho hoạt động của ngành Thuế trong đấu tranh chống chuyển giá của các doanh nghiệp tuy nhiên trên thực tế Việt Nam vẫn gặp khó trong công tác chống chuyển giá.

Hiện tại, hành lang pháp lý trong công tác chống chuyển giá mới chỉ dừng ở mức Nghị định (Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết), các lỗ hổng trong công tác chuyển giá chưa được khắc phục nên về lâu dài, chúng ta phải cần đến những giải pháp căn cơ hơn trong công tác chống chuyển giá mà việc đưa vấn đề chống chuyển giá vào Luật đầu tư chỉ là một trong những việc phải làm mà thôi.

Như bà nói, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng Việt Nam vẫn chưa kiểm soát được hiện tượng chuyển giá của các doanh nghiệp FDI trong thời gian khá dài. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, thưa bà?

Từ góc nhìn của một người làm nghề luật, tôi cho rằng, có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như sau:

Thứ nhất, do khuôn khổ pháp lý chống chuyển giá chưa hoàn thiện. Luật chống chuyển giá vẫn chưa hình thành, ngành thuế chưa có chức năng điều tra doanh nghiệp. Mặt khác, các cơ quan bộ, ngành chưa có phương pháp phối hợp, điều tra và xử lý hiệu quả nên đã vô tình tạo ra lỗ hổng về pháp lý, từ đó các doanh nghiệp FDI chuyển giá ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện và không dễ xử lý.

Thứ hai, xuất phát từ quyền tự do định đoạt trong kinh doanh, các chủ thể hoàn toàn có quyền quyết định giá cả của một giao dịch. Do đó, họ hoàn toàn có quyền mua hay bán hàng hóa, dịch vụ với giá mà họ mong muốn.

Các bộ, ngành chưa có phương pháp phối hợp, điều tra và xử lý hiệu quả nên đã vô tình tạo ra lỗ hổng về pháp lý, từ đó các DN FDI chuyển giá ngày càng tinh vi,...

Thứ ba, xuất phát từ mối quan hệ gắn bó chung về lợi ích giữa nhóm liên kết, nên sự khác biệt về giá giao dịch được thực hiện giữa các chủ thể kinh doanh có cùng lợi ích và không làm thay đổi lợi ích toàn cục.

Thứ tư, việc quyết định chính sách giá giao dịch giữa các thành viên trong nhóm liên kết không thay đổi tổng lợi ích chung nhưng có thể làm thay đổi tổng nghĩa vụ thuế của họ. Thông qua việc định giá, nghĩa vụ thuế được chuyển từ nơi bị điều tiết cao sang nơi bị điều tiết thấp hơn và ngược lại.

Thứ năm, do tồn tại sự khác nhau về chính sách thuế giữa các quốc gia cũng là nguyên nhân dẫn đến sự chuyển giá, nhằm có lợi cho các bên trong nhóm liên kết,…

Trong lúc chờ đợi khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chuyển giá được hoàn thiện, theo bà, đâu sẽ là giải pháp căn cơ cho vấn nạn này?

Một là, cần hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá: Củng cố lại cơ sở pháp lý về quản lý hoạt động chuyển giá, ban hành và hướng dẫn đầy đủ các phương pháp xác định giá chuyển giao phù hợp với trình độ phát triển kinh doanh trong nước và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Phải làm rõ các hình thức bị coi là chuyển giá phi pháp để có thể quy định các chế tài và hình thức xử phạt cũng như quy định các “ngưỡng an toàn” cho hoạt động chuyển giá, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi áp dụng, nhưng cũng xử lý nghiêm khắc khi có vi phạm.

Hai là, cần ban hành quy chế xử phạt cụ thể cho các trường hợp phát hiện hành vi chuyển giá. Việc cụ thể hóa hình thức phạt và mức phạt sẽ tạo nên sự công bằng và hiệu quả trong công tác kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm, đồng thời giảm các tiêu cực có thể xảy ra.

Ba là, cơ quan thuế các cấp cần tăng cường thanh tra giá chuyển giao, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế. Chú trọng việc thanh tra, kiểm tra giá chuyển giao đối với các doanh nghiệp có nhiều thành viên; các ngành nghề có dấu hiệu rủi ro lớn về thuế do hành vi chuyển giá của doanh nghiệp liên kết, các doanh nghiệp đã và đang thực hiện tái cơ cấu có khả năng lợi dụng chuyển giá để tránh thuế.

Bốn là, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông dữ liệu, thông tin về doanh nghiệp FDI trong các cơ quan chức năng của Việt Nam để có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt trong kiểm soát chuyển giá.

Xin cảm ơn bà!