Đưa con tàu kinh tế vượt qua “sóng gió” biển Đông
(Tài chính) Hơn 1 tháng qua, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của nước ta không những đã làm dấy lên sự bất bình của tất cả những người Việt Nam yêu nước và bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình về chủ quyền lãnh thổ mà còn làm nảy sinh lo ngại về nguy cơ ảnh hưởng tới nền kinh tế, đòi hỏi những quyết sách kịp thời, đúng đắn, dài hạn của các cấp, các ngành.
Lường trước những ảnh hưởng
Việc tranh chấp lãnh thổ ở bất cứ mức độ nào và ở bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới cũng đều gây ảnh hưởng tới nền kinh tế của các quốc gia liên quan và việc tranh chấp trên biển Đông do Trung Quốc gây ra với Việt Nam thời gian qua cũng không nằm ngoài ngoại lệ ấy.
Gần đây Trung Quốc đã rút công nhân và chuyên gia ở một số công trình tại Việt Nam về nước. Như vậy, rõ ràng diễn biến trên biển Đông đã có ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, cụ thể mức độ ảnh hưởng như thế nào thì nhiều chuyên gia cho rằng chưa thể đánh giá hết được.
Bàn về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng bày tỏ những lo ngại nhất định đối với nền kinh tế về các mặt như: các nhà đầu tư nước ngoài có những e ngại về môi trường đầu tư cũng như tình hình căng thẳng ở biển Đông; sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gặp trở ngại; quan hệ thương mại Việt-Trung bị ảnh hưởng...
Trước tình hình biển Đông ngày càng căng thẳng, nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra cảnh báo về 2 kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam năm 2014: Thứ nhất, phía Trung Quốc vì lợi ích riêng của họ và e ngại cộng đồng quốc tế sẽ không có thêm các hành động làm nghiêm trọng hơn nữa quan hệ kinh tế song phương. Như vậy, mục tiêu kinh tế của Việt Nam năm 2014 sẽ không bị ảnh hưởng lớn. Kịch bản thứ hai được đưa ra đó là phía Trung Quốc có những hành động đi ngược lại với lợi ích chung, gây ảnh hưởng nghiêm trọng quan hệ kinh tế giữa hai nước và trong trường hợp này mục tiêu phát triển kinh tế 2014 của Việt Nam tất yếu sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Sẵn sàng các phương án
Phân tích 2 kịch bản trên, nhiều chuyên gia nhận định, khả năng xảy ra kịch bản thứ hai được đánh giá là rất thấp khi kinh tế hai nước vẫn phụ thuộc lẫn nhau và còn nhiều ràng buộc với kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam không thể chủ quan mà phải chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó để hạn chế một cách tối đa ảnh hưởng của tình hình biển Đông đến nền kinh tế trước mọi tình huống. Do đó, nhiều giải pháp đồng bộ đã được đề cập:
Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế
Ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định, việc quan trọng và cần làm nhất hiện nay là tập trung xử lý những vấn đề nội tại của nền kinh tế đặc biệt là đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế với chương trình giám sát cụ thể, hiệu quả và không để thất thoát.
Đồng quan điểm như trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, về lâu dài chúng ta phải xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ để có thể hội nhập và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Để làm được điều đó, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng Việt Nam cần đa dạng hóa các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc… để cùng với họ phát triển công nghiệp phụ trợ.
Bên cạnh đó, cần có những giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế nhập khẩu từ nước ngoài đặc biệt là Trung Quốc như hiện nay. Theo đó, phải xác định được Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc những mặt hàng gì và nhập khẩu những gì là chủ yếu. Tiếp đó là đầu tư nghiên cứu phát triển sản xuất trong nước, tập trung vào mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, tránh nhập khẩu những mặt hàng không cần thiết mà trong nước có thể sản xuất được. Nói cách khác, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh hàng hóa chính là nhân tố quan trọng cho Việt Nam xây dựng nền kinh tế tự chủ, bền vững.
Các doanh nghiệp cũng cần vào cuộc
Chính phủ sẽ có những biện pháp cụ thể để giải quyết tình hình trên biển Đông và giữ vững phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có những giải pháp riêng cho mình trước những tình huống khó khăn để tránh tổn thất, đảm bảo sản xuất kinh doanh, đồng thời góp phần ổn định nền kinh tế, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Chuyên gia kinh tế cao cấp, TS. Lê Đăng Doanh từng nhấn mạnh: “Trong tình hình hiện nay, theo tôi hãy lấy tấm gương của những anh em Cảnh sát biển, Kiểm ngư và ngư dân trên biển kiên cường, dũng cảm và rất có hiệu quả. Mặc dù mình ít tàu hơn, tàu bé hơn nhưng mình vẫn chống cự được. Chúng ta hãy học tập tinh thần đó để đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách và tìm những nguồn nhập khẩu khác, tìm các thị trường khác để nếu Trung Quốc có hành động cấm vận hoặc giảm xuất nhập khẩu thì chúng ta cũng không bị thiệt hại nhiều…”
Người tiêu dùng góp sức
Thời gian qua, việc Trung Quốc đưa những sản phẩm chứa đầy chất độc hại sang Việt Nam gây ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng cũng như nền kinh tế đã được các báo, đài thường xuyên đưa tin. Vì vậy, khẩu hiệu: “Người Việt dùng hàng Việt” là cần kíp đặc biệt trong thời điểm như hiện nay. Theo đó, người tiêu dùng hãy sử dụng hàng hóa trong nước, tảy chay hàng hóa Trung Quốc kém chất lượng. Các tỉnh biên giới cần phát động phong trào không buôn lậu, không chấp nhận hàng hóa chất lượng kém từ Trung Quốc.
Việc làm trên không những đảm bảo được quyền lợi và sự an toàn cho chính người tiêu dùng mà còn thể hiện được lòng yêu nước của người dân, góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tự chủ, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tích cực sản xuất, phát triển.