Đưa sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá là cần thiết
Trước sức “nóng” của giá sách giáo khoa thời gian qua, nhằm kiểm soát, ngăn ngừa việc tăng giá vô tội vạ, chuyên gia cho rằng, việc đưa mặt hàng này vào danh mục Nhà nước định giá là cần thiết…
Thông tin với báo chí vừa qua, đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) vừa công bố, sách giáo khoa đã được đưa vào danh mục hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá. Bộ đã đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo là đơn vị quy định giá tối đa cho mặt hàng này.
Theo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Luật Giá (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022.
Các chuyên gia cho rằng, việc đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá là cần thiết, tránh tạo gánh nặng về chi phí cho phụ huynh học sinh và có sự kiểm soát tốt hơn về giá trị thực chất của sách.
Theo PGS.,TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá, hiện nay, giá sách giáo khoa do nhà xuất bản tự kê khai và báo cáo với cơ quan quản lý để cơ quan quản lý nắm được. Khi đưa sách giáo khoa vào danh mục định giá, nhà xuất bản sẽ không còn kê khai giá mà do Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá và sau đó do cơ quan chức năng thẩm định.
“Từ trước tới nay, giá sách giáo khoa do nhà xuất bản độc quyền in ấn, phát hành nên thiếu sự cạnh tranh nên dẫn đến giá bán sách giáo khoa cao và tăng qua các năm. Việc đưa sách giáo khoa vào danh mục do nhà nước định giá sẽ giúp sách có giá bán hợp lý. Ví dụ, nếu nhà xuất bản kê khai giá, có thể chi phí từ 5 được nâng khống lên 7 cũng không ai biết. Tuy nhiên, khi đưa vào danh mục hàng hoá do Nhà nước định giá, cơ quan chức năng sẽ kiểm soát chi phí, thẩm định chi phí xem hợp lý hay chưa”, PGS.,TS Ngô Trí Long bày tỏ.
Còn theo chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh, các địa phương được tự do chọn sách giáo khoa cũng tương tự câu chuyện đấu giá mua sắm công. Các Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương phải căn cứ vào giá, cũng như gắn với các tiêu chuẩn chất lượng để chọn những bộ sách phù hợp nhất, với mức giá hợp lý nhất, mà đứng trên lợi ích của học sinh và phụ huynh học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần phải tạo ra cơ chế để bản thân các nhà xuất bản phải cạnh tranh về giá. Lúc đó, các nhà sản xuất phải chạy đua theo, làm sao để hạ được giá thành và sinh ra được lợi nhuận, chứ không phải là chạy theo lợi nhuận là tăng giá lên cao như bây giờ.
“Sách giáo khoa là mặt hàng rất thiết yếu, cần được đưa vào danh mục Nhà nước định giá, bởi khi đưa được sách giáo khoa vào danh mục định giá, thì mới được phép quản lý. Tuy nhiên, nếu định giá trần sách giáo khoa cần phản ánh đầy đủ, chính xác chi phí sản xuất của doanh nghiệp, có tính đến mức lợi nhuận hợp lý để họ có điều kiện và động lực xây dựng sách giáo khoa có chất lượng”, TS. Vũ Đình Ánh chia sẻ.
Ông Ánh đề xuất, khi có biến động về giá cần có điều chỉnh lên - xuống phù hợp. Đồng thời, Nhà nước nên có biện pháp để trợ giá sách giáo khoa cho các đối tượng gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo trong xã hội.
Thực tế, còn gần 2 tháng nữa, năm học mới 2022-2023 mới bắt đầu, thế nhưng, không ít phụ huynh bắt đầu dành sự quan tâm, thậm chí lo lắng về các khoản chi phí đầu năm học, trong đó có sách giáo khoa.
Trong đó, theo công bố giá sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 được sử dụng trong nhà trường từ năm học 2022-2023 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bộ sách giáo khoa lớp 3 có giá từ 177.000 đồng/bộ đến 183.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh); bộ sách giáo khoa lớp 7 từ 208.000 đồng/bộ đến 209.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh); bộ sách giáo khoa lớp 10 từ 246.000 đồng/bộ đến 301.000 đồng/bộ.
Giá các bộ sách này được cho có giá cao hơn gấp 3 lần so với sách giáo khoa hiện hành. Giá chênh lệch dao động từ vài chục ngàn đến không quá 200.000 đồng/bộ, tuy nhiên, đây lại là sản phẩm thiết yếu và có tác động đến đông đảo người dân, nhất là chúng ta vừa trải qua 2 năm dịch bệnh, cuộc sống của đa phần người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, sách giáo khoa tăng giá, học phí tăng sẽ tạo thêm gánh nặng cho các gia đình có con em đến trường, nhất là các hộ nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Trước đó, lý giải về giá sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho rằng, giá sách tăng cao một phần bởi số cuốn trong mỗi bộ nhiều hơn. Số cuốn tăng thêm trong các bộ mới chủ yếu phục vụ các môn như: Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Hướng nghiệp.
Ngoài ra, sách tăng giá vì được thiết kế theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tăng cường hình ảnh và khổ sách lớn hơn, mức giá sách giáo khoa mới kể trên đã được kê khai với Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính theo đúng quy định.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế, việc các nhà xuất bản báo cáo và kê khai giá với Bộ Tài chính hiện nay chỉ là kê khai đơn thuần, Bộ Tài chính chỉ ghi nhận là có đăng ký kê khai giá, còn chuyện duyệt giá hay không, hay duyệt trên căn cứ nào, cơ sở nào… thì không nói đến. Tức là Bộ không có trách nhiệm giải trình mình đã duyệt đến đâu và các cơ cấu bao giờ đã được thẩm định hay chưa. Đó cũng là một vấn đề rất “mù mờ”, cần phải được công khai, minh bạch”.