Thực hiện kiểm soát, tiết giảm chi phí để giảm giá sách giáo khoa

Theo Thùy Linh/haiquanonline.com.vn

Bộ Tài chính đã có các công văn đề nghị các nhà xuất bản thực hiện kiểm soát, tiết giảm các chi phí trong cơ cấu giá thành sách giáo khoa để giảm giá sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 mới.

Các Nhà xuất bản đã nhiều lần thực hiện kê khai và kê khai lại điều chỉnh giảm giá các cuốn sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 mới. Ảnh: Internet.
Các Nhà xuất bản đã nhiều lần thực hiện kê khai và kê khai lại điều chỉnh giảm giá các cuốn sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 mới. Ảnh: Internet.

Theo Bộ Tài chính, quản lý sách giáo khoa hiện nay được thực hiện theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giá, theo đó sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá, mà thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá theo quy định Luật Giá và các văn bản hướng dẫn.

Các nhà xuất bản tự xây dựng, xác định giá và thực hiện kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa đã kê khai, cơ quan quản lý nhà nước không thẩm định, phê duyệt, không định giá sách giáo khoa.

Triển khai quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, qua thực tế tiếp nhận kê khai giá sách giáo khoa của Bộ Tài chính và ý kiến đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính thừa ủy quyền Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Ngày 14/7/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và có Thông báo kết luận số 3809/TB-TTKQH ngày 17/7/2020 của Tổng Thư ký Quốc hội thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 46 (tháng 7/2020).

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến “theo quy định của Luật Giá (khoản 1 Điều 19), sách giáo khoa không nằm trong nhóm hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, vì vậy việc bổ sung theo đề nghị của Chính phủ là thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Trong trường hợp thực sự cần thiết, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan hoàn chỉnh hồ sơ, xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng và đánh giá những tác động cụ thể khi ban hành chính sách mới để báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Luật Giá hoặc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để điều chỉnh nội dung này.”

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ, Bộ Tài chính đã đánh giá việc thi hành Luật giá và hiện đang trình Chính phủ dự kiến các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Giá, trong đó có việc đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá.

Trong khi chưa đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá thì tiếp tục áp dụng biện pháp kê khai giá đối với mặt hàng này.

Năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục cho phép phát hành 3 bộ sách lớp 2 và 3 bộ sách lớp 6, theo đó các nhà xuất bản được phép phát hành sách giáo khoa đã thực hiện kê khai giá sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lơp 6 mới về Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính đã có các công văn đề nghị các nhà xuất bản thực hiện kiểm soát, tiết giảm các chi phí trong cơ cấu giá thành sách giáo khoa để giảm giá sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 mới. Đến nay, các nhà xuất bản đã nhiều lần thực hiện kê khai và kê khai lại điều chỉnh giảm giá các cuốn sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 mới.