Đức: Kế hoạch cải cách thuế của Mỹ ảnh hưởng tiêu cực tới châu Âu

Theo TTXVN

Ngày 20/2, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier (ảnh) đã lên tiếng cảnh báo về những ảnh hưởng tiêu cực của kế hoạch cái cách thuế mới hiện nay của Mỹ đối với việc làm ở châu Âu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tuyên bố được Bộ trưởng Kinh tế Đức Altmaier đưa ra tại cuộc họp với những người đồng cấp các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ). 
Cũng tại cuộc họp này, nhóm Bộ trưởng Kinh tế các nước trong EU đã gửi một lá thư tới Washington, trong đó yêu cầu kế hoạch cải cách thuế của Mỹ cần phải được đánh giá lại sao cho phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Bộ trưởng Kinh tế Đức Altmaier cùng các đồng nghiệp của ông cũng nhấn mạnh EU cần phải có hành động chung nhằm bảo vệ lợi ích của khối này trước các chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Mỹ Donald Trump. 
Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) cũng khẳng định kế hoạch cải cách thuế ở Mỹ có chứa đựng các yếu tố có thể gây hại "nghiêm trọng" đến dòng chảy thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương, cũng như có thể vi phạm các quy định và cam kết thương mại quốc tế. 
Giới chuyên gia cho rằng động thái cải cách thuế của Mỹ nằm trong xu hướng rộng hơn trên thế giới nhằm sử dụng các hệ thống thuế quốc gia để tạo lợi thế cho các doanh nghiệp địa phương khi xuất khẩu ra nước ngoài và gây bất lợi cho các nguồn lực nước ngoài. 
Hôm 20/12/2017, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật cải cách thuế và đây được coi là một thắng lợi pháp lý quan trọng trong năm cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Donald Trump. Theo dự luật này, đa số người Mỹ sẽ được giảm thuế nhưng thành phần được hưởng lợi nhiều nhất là những người giàu có.
Trung tâm Chính sách Thuế, một cơ quan nghiên cứu độc lập, hôm 18/12 kết luận rằng dự luật cải cách sẽ cắt giảm thuế cho 95% người Mỹ trong năm 2018, nhưng mức giảm thuế trung bình cho thành phần có thu nhập cao nhất vượt xa mức giảm thuế cho những người có thu nhập thấp. 
Dự luật này sẽ hủy bỏ một phần Đạo luật Chăm sóc Y tế giá rẻ (Obamacare) và tăng mức nợ liên bang lên gần 1.500 tỷ USD trong thập niên tới.