Đức phớt lờ lời kêu gọi kích cầu nội địa của chính quyền Obama
Đức ngày càng cắt giảm tiền công để giúp hàng hóa của mình tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Điều này đã dẫn tới hai hệ quả: tiêu dùng trong nước giảm do lương bị hạ, còn Đức thì ngày càng phụ thuộc hơn vào xuất khẩu.
Tuy nhiên những điều ấy có vẻ sẽ không khiến Đức phải lo ngại, và quốc gia này vẫn phớt lờ lời kêu gọi kích cầu nội địa của các nhà đầu tư cũng như của chính quyền Obama. Kế hoạch cắt giảm chi ngân sách của thủ tướng Angela Merkel có thể làm trái phiếu chính phủ hấp dẫn hơn với nhà đầu tư, nhưng cũng có thể làm cổ phiếu nhóm ngành hàng bán lẻ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc phụ thuộc vào xuất khẩu sẽ khiến Đức dễ bị tác động hơn khi kinh tế toàn cầu đình trệ.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Largarde, Bộ Tài chính Mỹ và cả nhà tỷ phủ nối tiếng thế giới George Soros đã từng kêu gọi Đức cân bằng lại cán cân thương mại của mình, vốn đã quá chênh lệch và là trở ngại đối với sự phục hồi của kinh tế thế giới.
Trong năm 2009, doanh thu từ thị trường nước ngoài chiếm tới 41% GDP của Đức, so với con số chỉ 13% của Nhật Bản và 11% của Mỹ. Theo ước tính của IMF, năm nay Đức sẽ đạt thặng dư tài khoản vãng lai là 5,5% GDP. Con số này của Trung Quốc và Mỹ lần lượt là 6,2% và 3,3%.
Nhà kinh tế học nổi tiếng, ông Joseph Stiglitz, nhận xét trong một cuộc phỏng vấn,”Bất cứ ai coi Trung Quốc là trở ngại thì cũng sẽ coi Đức là trở ngại.”. Ông nói thêm, Đức cần thêm các biện pháp kích thích nhằm khuyến khích tiêu dùng và đầu tư nội địa.
Thủ tướng Đức, bà Merkel vẫn bảo vệ cho quyền lợi cạnh tranh nhất có thể trên thị trường thế giới của nước này. “Chúng tôi sẽ không từ bỏ thế mạnh của mình chỉ vì hàng xuất khẩu của Đức được mua nhiều hơn hàng của các nước khác.”, bà Merkel phát biểu tại quốc hội hồi tháng Ba.
Tiêu dùng tư nhân của Đức từ 1990 đến nay chỉ tăng 21%, so với con số 75% của Mỹ. Theo lời một chuyên gia kinh tế, thì “Thu nhập khả dụng của Đức không tăng mạnh, nên tiêu dùng vẫn còn yếu.” Một trong những khó khăn nữa là thói quen tiết kiệm của người Đức. Tỷ lệ tiết kiệm của quốc gia này trong năm ngoái là 11,4%, so với chỉ 5,5% của Mỹ. Thêm vào đó, dân số đang già đi của Đức cũng đồng nghĩa chính phủ sẽ khó lòng cắt giảm thuế để kích cầu, do còn gánh nặng về lương hưu.
Tình hình việc làm ngày càng được cải thiện, cùng với niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế có thể sẽ khiến tiêu dùng nội địa của Đức tăng trong những tháng tới. Ông Stuart Thomson, một nhà quản lý quỹ của Ignis Asset Management nhận xét, “để đạt được tăng trưởng bền vững, Đức cần tăng lương và cải thiện thị trường lao động hơn nữa. Đức phải phá bỏ thói quen cố hữu của mình, và điều này cần có thời gian.”