Người tiêu dùng ưu tiên các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán 2024 đã tới rất gần, với tình hình kinh tế còn khó khăn, nhiều dấu hiệu dự báo cho thấy người dân sẽ cân nhắc, ưu tiên lựa chọn các mặt hàng bình dân, có giá cả phải chăng thay vì chi tiền cho các mặt hàng cao cấp. Nắm bắt xu hướng đó nhiều doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu, có giá cả bình dân để phục vụ người tiêu dùng.
Tết Nguyên đán thường là dịp người dân chi tiêu nhiều hơn, sẵn sàng ‘vung tay’ cho những mặt hàng có giá đắt đỏ, cao cấp hơn bình thường để ăn mừng năm mới, biếu tặng người thân, bạn bè...
Tuy nhiên, năm nay do tình hình kinh tế khó khăn, nên thị trường Tết vẫn khá trầm lắng, nhiều người dân cho biết không vội mua sắm và sẽ chỉ mua những loại hàng hóa thực sự cần thiết và có giá bình dân để giảm bớt chi tiêu cho mùa Tết sắp tới.
Xu hướng tiêu dùng tiết kiệm, thiết thực
Chị Nguyễn Thu (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, trong dịp Tết Giáp Thìn này chị dự định giảm bớt chi phí mua sắm tới gần 60% so với mọi năm. Theo đó, chị dự định chi 2 triệu đồng cho quà biếu Tết và 2 triệu đồng cho thực phẩm mặn, hoa quả bánh kẹo ngày Tết. Tổng mức dự chi cho các mặt hàng ngày Tết chỉ rơi vào khoảng 4 triệu đồng.
Tương tự, chị Khánh Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng dự kiến sẽ chỉ chi tối đa 20 triệu đồng cho dịp Tết này, thấp gần 1 nửa so với năm ngoái. Trong đó, chi tiêu cho các mặt hàng quà Tết, hoa quả, bánh kẹo, thực phẩm mặn rơi vào khoảng 8 triệu đồng. "Ai cũng muốn có 1 cái Tết đầm ấm, đầy đủ nhưng do năm nay kinh tế có phần kém hơn nên mình chọn cách chi tiêu vừa đủ, mua các mặt hàng thiết yếu, có giá phải chăng để không bị phung phí tiền bạc", chị Linh nói.
Những trường hợp trên có thể coi là tiêu biểu cho xu hướng tiêu dùng của người Việt trong Tết Nguyên đán năm 2024, theo đó, người tiêu dùng dù không cắt giảm mua sắm hàng hóa và quà tặng dịp Tết nhưng sẽ tiết kiệm hơn và lựa chọn những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm mặn, rau củ, bánh kẹo,... có mức giá phù hợp, tối ưu chi phí.
Xu hướng này bắt nguồn từ việc kinh tế khó khăn, suy thoái trong suốt năm vừa qua và vẫn chưa cho thấy dấu hiệu khởi sắc, người dân đang hình thành thói quen chi tiêu thận trọng, tiết kiệm và cân nhắc nhiều hơn tới giá cả. Khảo sát thói quen tiêu dùng của PwC về hoạt động tiêu dùng của người dân trong năm vừa qua cũng cho thấy, 62% người tiêu dùng Việt cắt giảm những khoản mua sắm không cần thiết và thay vào đó họ để dành các khoản chi cho các mặt hàng thiết yếu, thiết thực đồng thời ưu tiên các mặt hàng có giá cả phải chăng hơn.
Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam thông tin: Dịp Tết năm nay, người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu tiết kiệm. Do đó, bên cạnh làm việc với nhà cung cấp từ giữa năm để có phương án chuẩn bị nguồn hàng và mức giá hợp lý cho người tiêu dùng, các đơn vị cũng chủ động những sản phẩm vừa túi tiền, không quá cầu kỳ, mang tính ứng dụng cao để phục vụ người tiêu dùng.
“Nhu cầu của người dân đang chuyển hướng mua sắm qua thị trường truyền thống để tiết kiệm hơn. Trước đây, người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm mang tính chất khác biệt, khác lạ thì bây giờ, người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm mang tính chất thiết thực cho cuộc sống hàng ngày”, ông Nguyễn Anh Đức nói.
Bình ổn giá, tăng khuyến mại kích cầu dịp Tết
Nắm bắt nhu cầu dịp Tết Nguyên đán, các Bộ, ban ngành hiện đang nỗ lực triển khai nhiều chương trình bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người dân
Bộ Tài chính mới đây đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, địa phương chủ động tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá. Theo dõi sát diễn biến tình hình cung cầu, giá cả thị trường trên địa bàn trước, trong và sau tết. Trong đó, yêu cầu cơ quan quản lý đặc biệt lưu ý đến các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân như nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống,... và các mặt hàng thiết yếu khác liên quan đến sản xuất để kịp thời tham mưu, đưa ra các biện pháp bình ổn giá.
Thông tin về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bộ Công Thương cho biết, nhìn chung, tình hình thị trường trong nước, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…tương đối ổn định, nguồn cung các hàng hóa luôn được bảo đảm. Các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm đã được chuẩn bị sẵn sàng để đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, hiện sản lượng thịt các loại đạt 7,79 triệu tấn, tăng gần 6,4%, sản lượng thủy sản 9,32 triệu tấn, tăng 2,3%, dự báo nguồn cung thực phẩm Tết Nguyên đán 2024 rất dồi dào. Do đó, dù nhu cầu tiêu thụ được dự báo gia tăng so với cùng kỳ nhưng sản lượng thực phẩm thiết yếu vẫn sẽ đảm bảo đủ để cung ứng, tránh tình trạng thiếu hụt khiến giá ‘đội’ lên cao.
Về phía các doanh nghiệp, nhà bán lẻ, một số đơn vị cho biết chuẩn bị đủ nguồn hàng, sẵn sàng dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Danh mục sản phẩm được chú trọng đưa ra thị trường năm nay bao gồm các loại thực phẩm, nông sản, bánh kẹo… có mức giá phải chăng. Đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều, không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền như thịt heo, thịt gà, cá, rau quả... nhiều siêu thị đang áp dụng chương trình bình ổn giá, tăng khuyến mãi giảm giá để kích cầu, hạn chế tăng giá dịp cận Tết.
Đại diện chuỗi siêu thị BRGMart/Haprofood BRGMart cho biết, doanh nghiệp đã tăng cường nguồn hàng tập trung vào các nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, đồ dùng thiết yếu đảm bảo nhu cầu hàng hóa chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, minh bạch nguồn gốc, tốt cho sức khỏe của khách hàng và bình ổn giá thị trường.
Hệ thống siêu thị GO!/Big C, Tops Market cũng lần đầu tiên áp dụng chương trình "Khóa giá" - bán thịt heo tươi không lợi nhuận" đến hết ngày 24 tháng Chạp (tức 15/1 dương lịch), nhằm chung tay bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo, hỗ trợ người dân không lo về giá. Theo đó, các sản phẩm thịt ba chỉ, thịt vai, thịt đùi, sườn non, nạc dăm heo… tại các siêu thị của hệ thống đang được bán với giá dao động từ 89.900-131.000 đồng/kg tùy loại.